Bên hành lang hội nghị tổng kết diễn đàn

06/08/2006 02:10 GMT+7

Bên hành lang hội nghị tổng kết diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?", phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận được những lời tâm huyết của một số đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: Thái độ các nước khi đàm phán với Việt Nam cho thấy nước ta không nhỏ! 

Thái độ của các nước trong việc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO, chừng nào đấy gián tiếp trả lời cho câu hỏi "Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ”. Vì sao? Nếu đất nước ta không có tiềm năng, hoặc tiềm năng còn xa xôi thì người ta sẽ không quan tâm nhiều đến việc ta có thể gia nhập được WTO hay không. Nói một cách khiêm tốn, trước hết ta có 3 yếu tố mà người ta quan tâm. Thứ nhất, dân số Việt Nam với quy mô 83 triệu dân là một nước không nhỏ. Nó sẽ tạo ra một nguồn lao động dồi dào, một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Thứ hai, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Thứ ba, ta có một đội ngũ lao động cần cù, chịu khó và còn khéo tay nữa. Chính vì những tiềm năng đó mà người ta đòi hỏi mình; chứ nếu không người ta sẽ không quan tâm đòi hỏi khi ta xin gia nhập WTO. Nhưng cần nhớ rằng tiềm năng phải biến thành sức mạnh thì nó mới phát huy được giá trị, biến Việt Nam thành một nước lớn, nếu không thì cũng không có ý nghĩa gì.

Chị Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên - nhi đồng của Quốc hội: Thanh niên phải là người trả lời câu hỏi "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”

Được sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Nhà nước,


Chị Trương Thị Mai

thanh niên phải là người trả lời câu hỏi "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, vì tương lai luôn thuộc về thế hệ trẻ. Đất nước ta sau 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu như hôm nay, nhưng giai đoạn tới, tôi cho rằng thách thức sẽ rất lớn, nhất là khi chúng ta gia nhập WTO. Đây là xu thế tất yếu, buộc chúng ta phải nỗ lực mà nếu chúng ta không nỗ lực thì không thể hội nhập hiệu quả. Tôi nghĩ rằng những thế hệ đi trước đã xác lập và thực hiện nhiệm vụ của mình một cách rất vẻ vang và lớp trẻ hôm nay phải nỗ lực bước tới, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Muốn vậy, các cơ quan ngôn luận cần mở thêm nhiều diễn đàn như Diễn đàn Báo Thanh Niên đã làm rất có ý nghĩa, nhằm khơi dậy lý tưởng, tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, tính sáng tạo của thanh niên... góp phần vào xây dựng đất nước.

GSTS Nguyễn Đăng Hưng, Chủ nhiệm các chương trình tài trợ đào tạo cao học của Bỉ tại Việt Nam: Diễn đàn đã "Khơi dậy dân khí, phát triển nhân tài, chấn hưng đất nước"

Cảm ơn Báo Thanh Niên đã tạo điều kiện để tôi có thể say sưa theo dõi diễn đàn này! Tôi đã đọc và thu thập được rất nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều ý nghĩ can cường, nhiều phê phán nghiêm khắc.


GSTS Nguyễn Đăng Hưng

Đúng như nhà trí thức dân tộc tiêu biểu Nguyễn Trãi đã nói, dân tộc Việt Nam không thời nào thiếu anh hùng hào kiệt. Nhiều sáng kiến, nhiều gợi ý, nhiều đề nghị tâm huyết đã được đăng tải. Làm sao để cởi trói, làm sao thoát khỏi các chứng bệnh trầm kha để vươn lên nắm bắt tất cả những cơ hội mới cho công cuộc phát triển đất nước, chiếm lĩnh lại những gì đã bị đánh mất, đã vô cớ bị vuột khỏi tầm tay; tận dụng nhanh chóng lợi thế mới trong bối cảnh hòa nhập vào cộng đồng quốc tế hôm nay?

Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? Từ diễn đàn, Báo Thanh Niên đã dẫn ngay đến hành động: "Khơi dậy dân khí, phát triển nhân tài, chấn hưng đất nước". Đây chính là hướng vươn lên cấp bách nhất!

Đây chính là quan tâm tha thiết nhất của người Việt Nam hôm nay, trong đó có trên 2 triệu người Việt đang định cư tại nước ngoài nhưng luôn luôn hướng về Tổ quốc! Việc thực hiện một quỹ riêng để người dân, bạn đọc Báo Thanh Niên, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, có thể đóng góp đặc biệt vào việc vực dậy, cưu mang, đưa lên cũng như đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân tài trong mọi lĩnh vực của đất nước là một bước khởi đầu rất thực tiễn, rất đáng trân trọng.

Chúng tôi và có lẽ đông đảo Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tầng lớp chuyên gia trí thức, sẽ nhiệt liệt hưởng ứng, đóng góp, chất xanh cũng như chất xám.

Ông Thái Quang Trung, Việt kiều Singapore: Đầu tư vào con người là chìa khóa cho tương lai đất nước

Thật ra, đầu tư vào vốn con người là đầu tư vào tương lai của dân tộc, đem lại lãi suất cao và nhanh hơn. Nếu như đã có hàng tỉ USD được đầu tư vào vốn


Ông Thái Quang Trung

vật chất trong quá khứ để xây dựng hạ tầng cơ sở như hệ thống "điện, đường, trường, trạm...", hải cảng và sân bay... thì có lẽ đã đến lúc cần phân bổ đầu tư ưu tiên vào vốn con người, để tiến hành sớm đổi mới giáo dục và xây dựng hạ tầng thông tin (info-structure) cho một xã hội tri thức. Khác với vốn vật chất và những yếu tố sản xuất khác có thể mòn và lún - tri thức là vốn bền vững ngày càng gia tăng trong sử dụng. Tri thức sẽ đem lại sự phồn thịnh cao hơn cho đất nước với cơ sở trí thức ngày càng được củng cố và mở rộng. Một chiến lược nhảy vọt bằng đầu tư vào vốn con người sẽ có đóng góp lớn trong tiến trình xây dựng đất nước hùng mạnh hơn qua một lộ trình được rút ngắn.

Việt Nam muốn cạnh tranh trên thị trường toàn cầu với những bước nhảy vọt, tiến nhanh vào nền kinh tế tri thức khẩn trương và cần thiết, điều này chỉ có thể thực hiện được với sự đầu tư tập trung - quy mô đối với giáo dục. Đặc biệt trong giai đoạn này là giáo dục đại học và cao đẳng ngành nghề. Có thể nói chấn hưng giáo dục chính là chìa khóa mở cửa vào tương lai của dân tộc ta.

Câu hỏi "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" tùy thuộc nhiều vào việc tiến hành đổi mới giáo dục nhằm xây dựng một nền giáo dục mới với những giá trị mới, linh động, đa dạng, sáng tạo, được tổ chức và thúc đẩy bởi công nghệ thông tin.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty Simbo: Diễn đàn đã khơi dậy được tinh thần dân tộc


Ông Trần Trung Kiên

"Tôi theo dõi rất sát diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ". Lúc đầu, khi đọc xong bài của nhà sử học Dương Trung Quốc, tôi đã mừng đến mức phải thốt lên "đây rồi". "Đây rồi" có nghĩa là tinh thần dân tộc đã được khơi dậy - một vấn đề mà theo tôi là "mấu chốt" của thế hệ trẻ hôm nay. Tôi thấy, thế hệ trẻ chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều thông tin trên thế giới, từ đó cảm nhận rằng thế giới quá lớn so với Việt Nam ta. Vấn đề là khi nhận chân được mình thì ta cần có những lựa chọn giải pháp để phát triển đất nước. Giải pháp nào thì tùy thuộc vào cách chọn lựa, thái độ, quyết tâm và tài năng của chúng ta, nhưng chắc chắn không người Việt Nam nào lại bằng lòng ta mãi là một nước nhỏ. Một ý khác, tôi cũng không đồng tình khi đọc trên báo thấy có một số ý kiến cho rằng Việt Nam ta nhỏ là do ông bà tổ tiên. Tổ tiên không có lỗi. Ta nhỏ là do chính chúng ta hiện nay.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.