Thai 3 tháng cuối, tức từ khoảng 28 tuần tuổi trở lên, đã hình thành đầy đủ các bộ phận và bước vào giai đoạn tiếp tục phát triển, hoàn thiện để bảo đảm đứa trẻ có đủ sức khỏe, điều kiện tự sống và sinh trưởng khi rời khỏi cơ thể mẹ.
Theo các bác sĩ (BS), ở giai đoạn, này hầu hết thai nhi đều đã trải qua những xét nghiệm, tầm soát dị tật; các bà mẹ có thể bớt lo về khả năng sẩy thai, những ảnh hưởng của các bệnh nhiễm siêu vi, của tác động môi trường lên thai nhi. Tuy nhiên, đây là lúc thai phụ phải chú ý đến những bệnh lý có thể tác động xấu lên mẹ và con trong cuộc sinh cũng như theo dõi thai kỳ chặt chẽ để hạn chế nguy cơ sinh non.
Có bệnh, nên chữa ngay
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, dù bào thai trong 3 tháng cuối đã lớn và hình thành đủ các bộ phận nhưng việc khám, theo dõi vẫn phải duy trì thường xuyên như đầu và giữa thai kỳ. Thậm chí khi gần sinh, lịch khám thai có thể phải dày hơn. Khám thai trong giai đoạn này nhằm theo dõi sự phát triển của em bé và các phần phụ của thai, theo dõi sự bình chỉnh ngôi thai… Một số trục trặc có thể xảy ra ở các phần phụ của thai dù khá ít gặp: bánh nhau vôi hóa, thoái hóa sớm, dư ối, đa ối, thiểu ối… Đây có thể là biểu hiện của tình trạng suy thai hay thai có vấn đề.
Đối với thai phụ, cần theo dõi các bệnh lý như tim mạch, cao huyết áp, các bệnh về dinh dưỡng, tuyến giáp, đái tháo đường… Thai phụ cũng cần được chữa khỏi các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, bệnh lây lan qua đường tình dục trước khi sinh con vì các bệnh này sẽ ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ trong cuộc sinh, nhất là theo ngả tự nhiên.
Ngày nay, các bệnh lây lan qua đường tình dục như lậu, giang mai… vẫn có thể dễ dàng điều trị dứt; riêng các loại lây nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C vẫn có cách điều trị dự phòng để ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con. “Do đó, thai phụ cần sớm xét nghiệm các bệnh lây nhiễm nguy hiểm để được giải quyết kịp thời. Khi chữa bệnh, thai phụ phải thông báo với thầy thuốc về tình trạng mang thai để được áp dụng những loại thuốc, cách thức điều trị phù hợp” - BS Thông lưu ý.
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, lo ngại: “Ở giai đoạn này, các bệnh nhiễm siêu vi không còn quá đáng sợ với bào thai nữa nhưng riêng sốt xuất huyết thì vẫn đe dọa nếu thai phụ mang bệnh khi sinh nở. Phụ nữ khi sinh bị ra máu nhiều, nếu kèm tình trạng xuất huyết sẽ rất nguy hiểm. Sốt xuất huyết nặng cũng có thể gây rối loạn đông máu, dẫn đến tai biến sản khoa như băng huyết…”.
Những nguy cơ thường gặp
Một trong những lo ngại lớn nhất của 3 tháng cuối thai kỳ là nguy cơ sinh non hay ngược lại là thai quá ngày. “Nếu gặp tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, đau bụng không rõ nguyên do hay các biểu hiện đau, dọa sinh non (xuất hiện cơn gò chuyển dạ, cổ tử cung mở), thai phụ cần đến bệnh viện kiểm tra ngay. Một số người lại gặp tình trạng thai quá ngày, vốn tiềm ẩn nguy cơ suy thai. Thai phụ có thai kỳ kéo dài quá 40 tuần nên đến bệnh viện để được đánh giá tình hình và chủ động trước những bất trắc” - BS Thông khuyến cáo.
BS Hải lưu ý biểu hiện mệt hay khó thở khi ngủ mà một số thai phụ có thể gặp cuối thai kỳ. Đây có thể là dấu hiệu của ứ trệ tuần hoàn ở tim. Nếu không được giải quyết, khi thai phụ gắng sức lúc sinh có thể xảy ra những tai biến nguy hiểm. Bên cạnh đó, thai phụ cũng nên kiểm tra chức năng đông máu trước khi sinh.
“Nên duy trì đều đặn việc khám thai để chắc chắn rằng em bé đang phát triển bình thường. Qua các thông số gián tiếp như động cao tử cung, gia tăng kích thước tử cung…; thông số trực tiếp như chỉ số đầu, chân, đường kính, chu vi bụng…; các biểu hiện như thai máy, nhịp tim thai khi chuyển động, các BS có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của thai nhi” - BS Hải khuyên.
Dây rốn quấn cổ: Không đáng ngại BS Trần Ngọc Hải cho biết: “Một số thai phụ khi đi khám trong những tháng cuối được biết thai bị dây rốn quấn cổ nên rất lo lắng, sợ rằng nhau sẽ siết em bé và gây tử vong. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, gần 30% thai nhi có dây rốn nằm ở vùng cổ, một số trường hợp sẽ tự tháo khi em bé chuyển động trong bụng mẹ, số khác tồn tại cho đến lúc sinh. Đây là tình trạng không đáng quan ngại và không phải chỉ định mổ lấy thai. Chỉ một vài trường hợp rất dây rốn quấn cổ gây nguy hiểm cho em bé nhưng rất hiếm gặp. Để biết thai nhi có ổn hay không, có thể xác định bằng lượng máu đi qua dây rốn”. |
Theo Anh Thư / Người Lao Động
Bình luận (0)