Bệnh đậu mùa khỉ: Triệu chứng nặng nhẹ thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
28/07/2022 13:51 GMT+7

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể không triệu chứng, triệu chứng nhẹ thường hết sau 2-4 tuần và tình trạng nặng ở nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, trẻ em...

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, về mức độ bệnh, bệnh đậu mùa khỉ chia thành 3 thể là không triệu chứng, nhẹ và nặng.

Ở thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

Ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (như phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…). Bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Triệu chứng ở người mắc đậu mùa khỉ như có thể bị nhiễm khuẩn da, với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Xét nghiệm các điểm nhiễm trùng tăng cao; cấy dịch nốt phỏng có vi khuẩn.

Bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi với các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở... chụp phim phổi thấy rõ tổn thương; viêm não: ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, dịch não tủy biến đổi. Có thể tổn thương đa cơ quan và nhiễm khuẩn huyết do bội nhiễm.

Triệu chứng ở người mắc đậu mùa khỉ như có thể bị nhiễm khuẩn da, phát ban...

shutterstock

Về khả năng lây nhiễm

Theo bác sĩ Hiền Minh, hệ số lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ R0 khoảng từ 1.1 đến 2.4, thấp hơn bệnh đậu mùa ở người (smallpox) - bệnh đã thanh toán trên toàn thế giới từ 1979. Các con đường lây nhiễm như lây nhiễm từ động vật sang người: bị động vật có vú nhiễm bệnh cắn, cào. Lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh; chạm vào phát ban, vảy ban của bệnh nhân; chạm vào các đồ vật bị ô nhiễm như khăn trải giường, quần áo hoặc thiết bị y tế người bệnh đã sử dụng. Ngoài ra có thể truyền qua nhau thai từ mẹ sang con (đang tiếp tục nghiên cứu).

Gây tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm ra sao?

Biểu hiện phát ban giống người được ghi nhận ở khỉ và vượn lớn. Hiện chưa có báo cáo về việc lây nhiễm ở động vật nuôi trong nhà. Đồng thời chưa có báo cáo về lây người - động vật (tuy nhiên vẫn có giả thuyết lây). Cần quản lý chất thải (băng gạc, dịch) vì có khả năng bị nhiễm để ngăn truyền bệnh từ người sang động vật nhạy cảm ở nhà (bao gồm thú cưng) hoặc động vật xung quanh nhà, đặc biệt là gặm nhấm.

Hiện ngành y tế TP.HCM cũng đang triển khai các biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và truyền thông trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu điều tra dịch tễ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.