Ghi nhận của PV Thanh Niên tại khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) Bệnh viện T.Ư Huế cho thấy tình hình bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn đang điều trị ở đây tuy không nhiều nhưng diễn biến bệnh vô cùng phức tạp và rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Dương Văn Sinh, Trưởng khoa HSCC Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: từ tháng 4 đến nay, khoa đã tiếp nhận 34 bệnh nhân cấp cứu mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 32 trường hợp bệnh nhân thường trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Số lượng bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại địa phương lại có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, tháng 4: có 4 ca bệnh, tháng 5: có 3 ca, tháng 6: 6 ca, tháng 7: 9 ca và tháng 8: 12 ca. Trong đó, có rất nhiều bệnh nhân khi nhập viện thì tình trạng bệnh đã rất nặng và diễn biến nhanh dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Dương Văn Sinh, những bệnh nhân trên xác nhận là họ đã ăn những sản phẩm từ thịt heo mua ở các chợ trên địa bàn, hoặc ăn tiết canh lợn, bún..., có trường hợp ăn tiết canh dê cũng bị mắc liên cầu lợn.
Được biết trước đó, tại nhiều địa phương trong tỉnh có đàn heo nhiễm bệnh chết với nhiều biểu hiện của bệnh heo tai xanh. Tuy nhiên, ngành thú y lại xác định nguyên nhân heo chết không phải do mắc bệnh tai xanh nên người dân đã bán tháo số heo mắc bệnh để tự cứu lấy mình. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Đến thời điểm này Thừa Thiên - Huế chưa có dịch heo tai xanh”.
Dù vậy, BS Dương Văn Sinh khuyến cáo, người dân nên chú ý khi dùng các thực phẩm từ thịt heo, phải nấu chín kỹ trước khi ăn, không nên ăn tiết canh, nem... Sau khi dùng các thực phẩm từ thịt heo mà xuất hiện các triệu chứng giống ngộ độc thức ăn như: đau bụng, buồn nôn, đi lỏng, sốt cao... thì phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bởi, đây là giai đoạn phát bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến tính mạng nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)