Thế hệ nghệ sĩ ngày xưa bị thiệt thòi do hoàn cảnh chiến tranh, nghèo khó, ít ai được ăn học tới nơi tới chốn, mà phải bước vào sân khấu rất sớm để nuôi thân, nuôi cả gia đình. Nhưng đã có những tấm gương đáng nể về sự trau dồi vốn sống qua sách vở. Chẳng hạn, NSƯT Thanh Sang đọc hầu như tất cả các kiệt tác văn chương thế giới của các nhà văn bậc thầy, từ Hemingway, Marquez, đến Victor Hugo, Puskin... Trong nhà anh, những quyển tiểu thuyết dày cộp, giấy vàng khè - dấu tích của thời gian - chất đầy. NSƯT Bạch Tuyết cũng thế, lúc ở trong gánh hát rày đây mai đó, đồng nghiệp thường tụ tập đánh bài, thì chị ôm khư khư cuốn sách mà đọc ngấu nghiến. Nhờ vậy, vài chục năm sau chị mới đủ sức phấn đấu thành tiến sĩ. NSND Diệp Lang, NSƯT Bảo Quốc sáng mở mắt ra là phải "điểm tâm" ngay bằng một chồng báo. Còn Thành Hội, Ái Như, Kim Xuân, Thành Lộc, Hữu Châu, Việt Anh... thì khỏi nói, họ là những con mọt sách thứ thiệt.
Nhưng cũng có rất nhiều nghệ sĩ hình như không bao giờ cầm tới tờ báo, nói chi cuốn sách. Nhất là nghệ sĩ trẻ. Hỏi tới vấn đề gì nổi cộm của đất nước cũng ú ớ không biết. Lâu lâu có phóng viên nào viết bài dính líu tới mình, nghe bạn bè hô lên thì mới quáng quàng chạy đi mua tờ báo. Chạy sô suốt ngày và suốt năm đến nỗi không dành được nửa tiếng đồng hồ để liếc qua mấy cái tít quan trọng trong báo. Lâu ngày không đọc, và lại cứ đóng hài, đóng kịch sinh hoạt mãi, nên lời thoại trở nên khó khăn, vai nào nói năng hơi "bài bản" một chút là nói không ra. Và dĩ nhiên vai nào có chiều sâu tâm lý một chút cũng đóng không ra, hoặc đóng chỉ đạt yêu cầu vừa phải, không thể bật lên được.
Chúng ta thường cứ nghĩ dạy cho nghệ sĩ trẻ thật nhiều kỹ thuật sân khấu thì họ mới giỏi chuyên môn, nhưng đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài, còn sức mạnh nội tại làm nên vai diễn hay lại thuộc về chiều sâu văn hóa bên trong, thì lại bỏ quên. Khi vốn văn hóa mỏng thì năng lực diễn xuất sẽ bị khai thác cạn kiệt nhanh chóng, còn người có chiều sâu thì sẽ đi bền bỉ hơn, chất lượng ngày càng cao hơn.
Thư Thư
Bình luận (0)