Bệnh nan y và những quyết định cuối cùng

21/08/2006 23:53 GMT+7

Chữa chạy hay thôi? - Đó là câu hỏi khủng khiếp mà không ít người kém may mắn đã phải trăn trở, đau đớn để tự quyết định cho chính mạng sống của mình khi mắc phải căn bệnh mà y khoa phải bó tay.

Bệnh viện Denver ở tiểu bang Colorado của Mỹ vừa tiếp nhận một bệnh nhân mới: bà C.Hobbs, 60 tuổi với căn bệnh được chẩn đoán là ung thư phổi. Các bác sĩ phải sử dụng đến thuốc Erbitux để điều trị. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng chỉ có tác dụng giúp bệnh nhân cầm cự và gia đình bà sẽ phải trả một khoản chi phí điều trị không hề thấp chút nào: 18.000 USD. C.Hobbs đã đưa ra quyết định cuối cùng cho cuộc đời: dừng việc chữa chạy! Trường hợp Hobbs không phải là cá biệt. Nước Mỹ hiện có tới 45 triệu người không đóng bảo hiểm bệnh hiểm nghèo như bà.

Gánh nặng ngân sách?

Theo Cơ quan bảo hiểm y tế Mỹ, hằng năm họ phải chi khoảng 30% ngân sách cho 5% những người được nhận bảo hiểm bệnh nan y. Theo thống kê, chi phí hằng năm cho một ca chăm sóc, chữa trị một số căn bệnh hiểm nghèo tại Mỹ là vô cùng "khủng khiếp": 50.000 USD cho bệnh ung thư, 200.000 USD cho các căn bệnh về van tim. Đến cuối năm 2004, theo Cơ quan Dự báo ngân sách liên bang, chính phủ đã chi 1,9 ngàn tỉ USD cho lĩnh vực y tế, con số này sẽ là 4 ngàn tỉ đến năm 2015. Nhiều nhà kinh tế, y học Mỹ cũng lên tiếng rằng các khoản chi cho việc chữa trị bệnh hiểm nghèo là rất nhiều trong khi hiệu quả thu được rất hạn chế. Theo họ, nên đầu tư cho việc nghiên cứu, phát hiện để chữa trị các căn bệnh này ở giai đoạn đầu thay vì tập trung vào việc chăm sóc người bệnh ở giai đoạn cuối như hiện nay.

Vấn đề cá nhân

"Tôi còn hai con nhỏ. Chết bây giờ thì dang dở lắm!", đó là tiếng nức nở của người phụ nữ bị ung thư ruột kết R.Dague ở bang Ohio. Còn ông già 62 tuổi J.Roger, người Illinois thì tuyên bố khi ông đã phải ghép van tim đến lần thứ hai trong vòng 15 tháng qua rằng: "Thà phải trả tiền còn hơn ngủ với giun!". Đây cũng chính là quyết tâm chống chọi lại bệnh nan y đến cùng của 1/3 số dân Mỹ hiện nay (tỷ lệ này vào năm 1990 là 1/5). Tuy nhiên, một số bệnh nhân lại không có được những điều kiện cần thiết để thực hiện khát vọng sống: người anh rể bị bệnh ung thư ruột kết của bác sĩ D.Johson ở Tennessee đã từ chối được tiêm thuốc Avastin vì ông biết mình không có hy vọng sống sau khi điều trị loại thuốc này với chi phí khoảng 4.400 USD/tháng. Nếu may mắn, ông cũng chỉ có thể kéo dài cuộc đời thêm khoảng 5 tháng mà thôi. Với những người có điều kiện kinh tế khá hơn hoặc được bảo hiểm thì họ chọn con đường như ông già J.Roger. Vì ai cũng hiểu được cuộc sống có giá trị như thế nào đối với mỗi con người.

Tiền bạc và y đức

Một số ý kiến cho rằng các hãng dược phẩm, một số bác sĩ, các công ty bảo hiểm y tế... đã ấn định giá "cắt cổ" cho các loại thuốc đặc trị bệnh hiểm nghèo. Họ đề nghị xã hội cũng như các nhà bảo hiểm nên tính chi phí cho các khoản không quá 100.000 USD với các trường hợp bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, dường như các nhà dược phẩm không đồng ý với quan điểm này. Họ cho rằng họ đang rất nỗ lực trong việc giảm giá thuốc và nghiên cứu các loại thuốc có khả năng chữa được các loại bệnh như ung thư. Hãng Genentech, nhà sản xuất Avastin, có ý kiến rằng giá cả loại thuốc này là "chấp nhận được" với bệnh nhân ung thư nếu được điều trị tại nhà và tuyên bố rằng hằng năm hãng thuốc này đã chi tới 30 triệu USD để phục vụ việc nghiên cứu thuốc mới. Với Avastin, theo một cuộc khảo sát gần đây với 139 bác sĩ chuyên khoa ung thư ở Mỹ thì chỉ có 1/4 trong số họ tin vào công dụng của loại thuốc như quảng cáo. Còn bác sĩ M.Acker, Đại học Pennsylvania, thì khuyến cáo rằng nên tránh xa những loại thuốc như thế vì chúng chỉ có một tác dụng duy nhất là làm chậm lại một "kết cục không thể tránh khỏi" mà thôi.

H.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.