Trong khi các bệnh viện (BV) đa khoa, chuyên khoa tuyến trên của TP.HCM đều quá tải trầm trọng, bệnh nhân (BN) phải nằm ghép đôi, ghép ba... thì nhiều BV quận, huyện lại chẳng có ai nằm.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, những ngày qua nhiều khoa phòng của nhiều BV tuyến quận huyện tại TP.HCM trống trải đến khó tin!
BV Q.12 có khoa được kê 10 giường nhưng chỉ có 2 BN; có khoa 8 giường chỉ có 1 BN.
BV Q.Bình Tân cơ ngơi khang trang với 400 giường nhưng lượng BN điều trị cũng không khá hơn. Khoa Nội thần kinh - Thận niệu không có BN nào. Có phòng 4 giường thì tất cả đều bỏ trống.
|
Khoa Ngoại của BV Q.7 có 7 phòng thì 4 phòng không có BN, 2 phòng khác chỉ 1 - 2 người/4 giường.
Khoa Ngoại tổng hợp của BV Q.6 có 30 giường cũng chỉ lưa thưa vài BN nằm; còn khu B có phòng không có BN nào!
Tại BV Q.9, đầu giờ chiều một ngày tháng 4.2012 nhiều khu vực làm hồ sơ khám bệnh vắng tanh.
Hầu hết các phòng lưu bệnh của BV H.Nhà Bè cũng trong tình trạng vắng vẻ. Khoa Nội tổng hợp, Khoa Ngoại nhiều giường không có BN...
Đáng lưu ý, trong khi các BV nhi, BV sản tuyến trên chật kín, thì khoa nhi, khoa sản của BV quận - huyện vắng hoe. Cụ thể, Khoa Nhi (BV Q.12), phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh hô hấp chỉ có vài BN, phòng bệnh tiêu hóa khóa cửa luôn, nhiều giường bệnh trống huơ; Khoa Sản của BV này chỉ có 1 người ngồi chờ khám. Ở BV Q.7, Khoa Nhi có phòng 9 giường thì trống đến 5; Khoa Sản có 2 phòng với 12 giường nhưng chỉ có 3 sản phụ nằm. Khoa Nội - Nhi BV Q.2 có 12 phòng, nhưng đến 4 phòng bỏ trống (đều là phòng bệnh nhi)... Các khoa, phòng nhi ở BV Q.9, BV H.Nhà Bè cũng tương tự...
Vì sao có tình trạng nghịch lý trên? BS Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV H.Nhà Bè, cho biết: “BN đến khám thì đông, khoảng 500 lượt/ngày, nhưng số BN chịu ở lại BV để điều trị rất ít. Công suất giường bệnh của BV chỉ đạt 40 - 50%”. BV Q.9 cũng chỉ sử dụng công suất giường bệnh khoảng 60%.
|
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2, nhìn nhận: “BN có đến BV hay không là tùy thuộc vào niềm tin. Tình trạng BN dồn lên các BV tuyến trên bởi họ đặt niềm tin vào những nơi này”. Còn theo BS Trần Huy Thảo, Phó giám đốc BV Q.6: “Nếu nói do không có trang thiết bị để thực hiện kỹ thuật cao là chưa chính xác hoàn toàn, mà cần phải nhìn nhận không chỉ BV Q.6 mà nhiều BV quận, huyện khác đang thiếu BS trầm trọng”.
Ngày 8.4, tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức, với chủ đề “Thực trạng và giải pháp giảm quá tải bệnh viện”, hầu hết các ý kiến cho rằng cần nâng cao năng lực của BV tuyến cơ sở; sử dụng các BV quận huyện chưa hoạt động hết công suất để làm cơ sở 2, làm vệ tinh cho BV TP quá tải; tăng số lượng đào tạo BS...
Tuyến trên quá tải Trái với cảnh “chợ chiều” ở các khoa phòng điều trị nội trú của những BV quận huyện, các BS BV tuyến trên cho biết họ rất mệt mỏi vì quá tải, việc quá tải trầm trọng gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, người bệnh dễ bị nhiễm trùng từ môi trường BV cũng như khiến các BV khó khăn trong việc phát triển các chuyên khoa sâu... Theo Ban Giám đốc BV Nhi đồng 1, dù BV rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giảm quá tải như chuyển giao chuyên môn cho BV tuyến dưới; điều trị, phẫu thuật giải quyết trong ngày... nhưng các khoa phòng điều trị nội trú của BV luôn chật kín BN. Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, quyền Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, cho biết tình trạng quá tải của BV hiện rất trầm trọng, các khoa phòng gần như không còn chỗ trống. Năm 2011, BV tiếp nhận hơn 872.000 BN đến khám và điều trị. Tỷ lệ BN khám tăng khoảng 14%, còn điều trị nội trú tăng 22% so với năm 2010. Còn theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, trong năm 2011 BV này tiếp nhận hơn 1,6 triệu lượt bệnh nhi đến khám, tăng gần 105% so với năm 2010. Hiện mỗi ngày BV tiếp nhận từ 5.000 - 7.000 lượt bệnh nhi, số lượt khám và nhập viện tăng 107%. |
Thanh Tùng - Hà Minh - Thanh Thùy
Bình luận (0)