Thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, bệnh nhân tăng huyết áp, tim mạch đến khám tăng khoảng 10% so với các tuần trước đây.
Bệnh nhân bị đột quỵ do rét - Ảnh: Ngọc Thắng |
Tại Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai) đã diễn ra tình trạng quá tải bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch; một số giường bệnh phải nằm ghép 2 - 3 người.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân do sau nhiều ngày nắng ấm thời tiết chuyển sang rét đậm, làm co mạch máu khiến huyết áp tăng cao. Tại phòng khám tăng huyết áp của Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai, một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị vẫn đến khám do không kiểm soát được huyết áp.
Theo TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai, huyết áp tăng cao làm tăng nguy cơ tai biến: nhồi máu cơ tim, xuất huyết não. Chuyên gia này khuyến cáo, tập luyện, rèn luyện sức khoẻ là một trong những phương pháp hữu hiệu chữa bệnh bệnh tăng huyết áp không dùng thuốc.
TS Thành cũng cho biết: “Tập luyện ở bệnh nhân tăng huyết áp mang tính cá nhân, phụ thuộc vào mức độ tăng huyết áp và các yếu tố khác như đi bộ nhanh và chạy sức khỏe là phương pháp hữu hiệu làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp độ 1, 2.
Tuỳ theo tình trạng sức khỏe có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hay tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Nguyên tắc tập luyện chung là thường xuyên, liên tục và nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập. Chú ý, những bệnh nhân có huyết áp tăng quá 160/90mmHg thì tập luyện phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp (uống thuốc trước khi tập 15 - 30 phút)”.
TS Thành đặc biệt lưu ý, những ngày lạnh, để phòng tai biến do tăng huyết áp, cần giữ ấm, không tập thể dục sớm; uống thuốc điều trị đẩy đủ theo đơn của bác sĩ. Cần đo huyết áp tại nhà theo hướng dẫn và thông báo với bác sĩ chuyên khoa khi huyết áp cao, kiểm soát không hiệu quả, để kịp thời điều trị, tránh các tai biến nguy hiểm.
Trước diễn biến thời tiết rét đậm bất thường, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh, yêu cầu tăng cường phòng chống rét cho bệnh nhân nội trú và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng chống rét cho người bệnh đến khám chữa bệnh. Nơi chờ khám, chữa bệnh, các buồng điều trị phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ ấm, đặc biệt chú ý tại các phòng đẻ, phòng sau đẻ, phòng sơ sinh, các khoa Nhi, Hồi sức cấp cứu, Hồi sức tích cực; đồng thời đảm bảo giữ ấm cho bệnh nhân là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh trong khi vận chuyển bệnh nhân.
Sở Y tế cũng đặc biệt lưu ý, các BV cần đảm bảo đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử trí kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét đậm.
Bình luận (0)