Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) không chỉ gồm những bệnh cổ điển như lậu, giang mai, hạ cam mềm mà là một nhóm bệnh gồm nhiều bệnh.
Ngày nay, STDs không chỉ là lây qua đường giao hợp sinh dục, sinh dục có thể còn lây qua đường miệng, sinh dục hoặc lây qua đường hậu môn - sinh dục. Vì vậy, STDs có thể gồm những bệnh thuộc nhóm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng, vi nấm, ngoại ký sinh trùng. Thường ít khi chỉ có một tác nhân gây bệnh mà do nhiều tác nhân phối hợp nhau. Một số bệnh thường gặp là bệnh giang mai, lậu, hạ cam mềm, mồng gà, trichomonas vaginalis, hột xoài, chlamydia trachomatis, herpes sinh dục, viêm gan siêu vi… và HIV.
Nhận biết triệu chứng
Nam giới thường không chú ý việc đi khám sinh dục định kỳ nên dễ bỏ qua các triệu chứng bệnh vì STDs được biểu hiện khá kín đáo, có thể rỉ 1 vài giọt đục ở đầu dương vật vào buổi sáng (lậu), hoặc chỉ vài nốt sùi nhỏ rải rác trên thân hoặc gốc dương vật (sùi mào gà), có khi chỉ là vết loét nhẹ ở bao quy đầu (giang mai).
Herpes sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus gây nên. Biểu hiện lâm sàng khi nhiễm sơ phát là hồng ban mụn nước, mọc thành chùm tại vị trí nhiễm và có hạch vùng trong một số trường hợp. Sang thương thường gặp ở nam là bao dương vật hoặc rãnh quy đầu, chùm mụn nước vỡ thành vết trầy, bóp đau, bệnh tự ổn định sau 2-3 tuần lễ. Đặc biệt, herpes sinh dục không có thuốc điều trị đặc hiệu nên dễ tái phát khi có điều kiện thuận lợi như căng thẳng, giảm sức đề kháng của cơ thể… Rất nhiều trường hợp, với nhiều bệnh khác nhau, nhưng ban đầu hoàn toàn không có triệu chứng gì cả, về sau khi phát hiện bệnh thì đã muộn và việc chữa trị hết sức khó khăn.
Đối với phụ nữ thì khác, STDs thường gây triệu chứng tiết dịch cơ quan sinh dục, vết loét vùng sinh dục, tiểu đau hoặc giao hợp khó khiến người bệnh phải ngưng giao hợp và đi khám bệnh.
Cũng có khá nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc mơ hồ, đôi khi không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Đây là những trường hợp nhiễm trùng tiềm ẩn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề về sau.
Ở nữ giới, nếu đang mang thai mà mắc phải STDs, nguy cơ đối với con khá nặng nề như nhiễm trùng bào thai, sinh non, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng sơ sinh... tử vong. Có những trẻ sơ sinh bị mù mắt vì nhiễm bệnh lậu từ mẹ.
Điều trị được
Hầu hết STDs đều điều trị được. Tuy nhiên, do phát hiện bệnh muộn, do chủ quan hoặc tâm lý ngại khám nên việc điều trị bệnh gặp không ít khó khăn. Những biến chứng của bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe. Chẳng hạn như với giang mai kỳ III, tổn thương tại chỗ là gồm giang mai (là một nốt chồi hoặc vết loét đau, phù nề và bội nhiễm vùng hạch viêm); tổn thương da, niêm mạc (lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc nổi nhiều ban sẩn, viêm hạch bạch huyết toàn thân); tổn thương nội tạng (phình động mạch chủ, teo thần kinh thị giác, bệnh Tabès, giang mai màng não). Đến giai đoạn này tỷ lệ tử vong khá cao, đặc biệt, bệnh lậu có thể gây vô sinh về sau.
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là cả hai giới cần đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng một lần.
TS.BS. Lê Thị Thu Hà (BV Từ Dũ)
Bình luận (0)