Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát dịch rất cao

16/03/2012 20:50 GMT+7

(TNO) Bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp với tốc độ tăng nhanh và bất thường hơn so với năm ngoái khiến nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao.

(TNO) Bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp với tốc độ tăng nhanh và bất thường hơn so với năm ngoái khiến nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao.

Đó là nhận định của Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, trong ngày làm việc với TP.HCM về phòng chống dịch bệnh lây lan, hôm 16.3.

Bệnh “nóng” và phức tạp

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tại TP.HCM bệnh diễn biến phức tạp. Tổng số trường hợp nhập viện điều trị từ đầu năm đến ngày 14.3 là 1.351 ca, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, đã có 1 ca tử vong (bệnh nhân ngụ tại Q.8).


Bệnh nhân TCM nặng đang được lọc máu điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi 

Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay số ca mắc TCM của TP.HCM đang ở mức cao, với 200 ca/tuần. Đáng lo ngại hơn là bệnh xuất hiện trên diện rộng với 65% phường, xã trên địa bàn đã có ca bệnh.

Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh TCM trên toàn TP là rất lớn.

Không chỉ ở TP.HCM mà hầu như nhiều tỉnh phía Nam cũng đang đối mặt với số ca bệnh tăng cao. Kết quả khảo sát của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho thấy: chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm tại bốn bệnh viện cấp tỉnh (Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện đa khoa An Giang), đã có tổng cộng 1.198 ca mắc TCM, trong đó có 6 ca tử vong.

Theo ghi nhận của các bệnh viện thì bệnh dịch TCM bắt đầu tăng vọt trở lại vào giữa tháng 2 và đã có nhiều ca nặng.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang điều trị nội trú cho 58 ca TCM. Trong đó, “có 6 ca nặng ở độ 3-4 phải thở máy, điều trị tích cực và cả lọc máu”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện, cho biết hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho 70-80 bệnh nhân TCM mỗi ngày. Trong đó, có 8-10 ca nặng.

Lo “gánh” bệnh từ các tỉnh

Theo thông tin của Sở Y tế TP.HCM, hiện tại năng lực điều trị các ca bệnh TCM nặng tại các tỉnh còn thấp. Hằng ngày, 3 bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nhận 50% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về.

 
Nỗi lo bùng phát dịch bệnh TCM ám ảnh người dân và ngành y tế ngay từ những tháng đầu năm - Ảnh: Nguyên Mi

Ngoài ra, “hầu hết các ca bệnh TCM nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều từ các tỉnh. Khi nhập viện, bệnh nhân gần như trong tình trạng nguy cấp do tuyến dưới chẩn đoán không ra bệnh”, bác sĩ Khanh nhận định.

Vì vậy, các chuyên gia y tế lo ngại sẽ lại quá tải tại các bệnh viện điều trị tuyến cuối của TP.HCM nếu bệnh tiếp tục tăng cao.

Làm việc với Bộ Y tế chiều 16.3, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị cho phép TP thực hiện vành đai điều trị tại các tỉnh. Thay vì bệnh nhân nặng từ tỉnh phải chuyển lên TP.HCM thì các bệnh viện đầu ngành của TP sẽ cử bác sĩ và hỗ trợ trang thiết bị về điều trị tại tỉnh, nhằm giảm tải cho bệnh viện TP.

“Bệnh TCM diễn biến phức tạp và đã “nóng” ngay từ đầu năm. Tốc độ tăng hiện nay của bệnh cũng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (tăng gần 7,5 lần). Đặc biệt, bệnh xuất hiện trên diện rộng (60/63 tỉnh thành đã có bệnh). Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch là rất cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đánh giá.

Ông Long nhấn mạnh, mục tiêu của Bộ Y tế là tập trung vào điều trị để giảm tối đa số ca tử vong do bệnh TCM trong mùa dịch năm nay vì dự báo bệnh sẽ tiếp tục hoành hành, phức tạp không thua gì năm ngoái.

Nguyên Mi

>> Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tăng cao
>> Bệnh tay chân miệng tăng gấp 7-10 lần
>> Bệnh nhân tay chân miệng tăng cao đột ngột
>> Cảnh báo nhiều dịch bệnh có thể “trỗi dậy”
>> Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.