Bệnh trầm cảm - nghiêm trọng nhưng không khó điều trị

19/11/2007 11:27 GMT+7

(TNO) Cũng giống như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…, trầm cảm là một bệnh lý cần quan tâm trong xã hội hiện đại. Theo thống kê, khoảng 1/5 nữ giới và 1/15 nam giới bị trầm cảm ít nhất một lần trong cuộc đời. Hơn một nửa trong số đó về sau tiếp tục bị trầm cảm ít nhất 1-2 lần mỗi năm; nếu không được điều trị, số lần xuất hiện của bệnh cũng như độ nặng của các triệu chứng có khuynh hướng tăng dần theo thời gian.

Trầm cảm bao gồm những rối loạn định kì về cảm xúc, tập trung, giấc ngủ, hoạt động, sự ngon miệng và thái độ cư xử về xã hội. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tự tử. Tuy nghiêm trọng là vậy, nhưng trầm cảm hoàn toàn có thể điều trị được một cách hữu hiệu.

Trầm cảm là gì? Là một bệnh lí của não bộ chứ hoàn toàn không phải là một cảm giác buồn bã hay chán nản, thất vọng thông thường thoáng chốc mà ai cũng có thể trải qua trong cuộc sống. Trầm cảm là một bệnh lí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ cư xử và sức khỏe bệnh nhân; chứ không phải là một sự yếu đuối. Nó có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào; ở mỗi đối tượng khác nhau có những biểu hiện khác nhau.

Việc uống rượu có thể là một hậu quả nghiêm trọng của bệnh trầm cảm, uống quá nhiều rượu hoặc các thuốc bị cấm sử dụng có thể làm phức tạp thêm các giai đoạn của trầm cảm. Tất cả mọi đồ uống có cồn đều không được sử dụng trong suốt quá trình điều trị căn bệnh này.

Triệu chứng của bệnh trầm cảm: Ở những lần đầu tiên, khởi đầu của bệnh có thể không rõ ràng và ngắn ngủi, tuy nhiên nếu không được để ý và điều trị, nó có thể tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn, thành một hội chứng bao gồm: khí sắc buồn bã, nặng nề, cáu kỉnh, dễ bị kích thích kéo dài ít nhất 2 tuần, kèm theo là những thay đổi đáng kể về giấc ngủ và sự ngon miệng, giảm năng lượng và khả năng tập trung và trí nhớ, mất quan tâm thích thú với những công việc và các triệu chứng mặc cảm tự ti, buồn rầu, trống vắng… Khi bệnh đến độ trầm trọng, người bệnh trở nên chán nản, tuyệt vọng đến nỗi họ dường như muốn chết hơn là muốn sống, thậm chí có ý định hoặc hành vi tự tử.

Một số triệu chứng hay gặp:

+ Thay đổi về giấc ngủ: khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thuờng nhưng khi ngủ dậy lại thấy mệt mỏi, ngủ không đủ.

+ Thay đổi về ngon miệng: thường giảm ngon miệng nhưng cũng có khi lại ăn uống rất nhiều, do đó có thể sụt cân hoặc tăng cân bất thường.

+ Mất khả năng tập trung và khả năng tự quyết định.

+ Mất năng lực.

+ Mất sự quan tâm thích thú.

+ Tự ti.

+ Cảm giác tuyệt vọng.

Nguyên nhân bệnh trầm cảm: Có rất nhiều nguyên nhân, nhiều bệnh nhân lại tự nhiên mắc bệnh mà không thấy có liên quan gì tới bất kì một khủng hoảng nào trong cuộc sống. Tuy nhiên có một nguy cơ liên quan đến bệnh trầm cảm như: di truyền, những biến cố sang chấn tinh thần, sự lạm dụng rượu hay thuốc...,  thậm chí cả nhân sinh quan của bệnh nhân đối với cuộc sống cũng có thể góp phần hình thành căn bệnh này.

Điều trị bệnh trầm cảm như thế nào: Bệnh trầm cảm đáp ứng tốt với điều trị, khoảng 80% bệnh nhân trầm cảm nặng có thể cải thiện và trở lại cuộc sống bình thường chỉ trong vòng vài tuần lễ; với những bệnh nhân có nguy cơ bị trầm cảm trở lại thì phải điều trị liên tục và kiểm soát bệnh tốt. Có 3 phương pháp điều trị cơ bản là: dùng thuốc, điều trị tâm lí liệu pháp và sốc điện. Có thể điều trị riêng rẽ hoặc kết hợp các phương pháp này. Sự cải thiện có thể được xác định một cách chắc chắn sau 3-4 tuần điều trị. Cần lưu ý các thuốc chống trầm cảm không hề gây cho bệnh nhân đờ đẫn; việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm cần phải tương hợp với cuộc sống bình thường, khi dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị:

+ Không nên cố gắng làm việc bằng bất cứ giá nào.

+ Không nên lấy lý do bị trầm cảm để bào chữa cho các vấn đề khó khăn của bản thân trong công việc.

+ Không nên đưa ra những quyết định có tính chất ảnh hưởng đến tương lai trong thời gian đang điều trị.

+ Không nên ngưng việc.

+ Không uống bia, rượu với bất kì lí do nào.

+ Không ngưng thuốc đang dùng hoặc tự ý tiếp tục dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

BS B.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.