Viêm màng bồ đào là gì?
Màng bồ đào là phần bao bọc con mắt, được ví như là lớp vỏ của một quả nho. Nó gồm 3 phần chính: Mống mắt - cho màu sắc đặc trưng của mắt (xanh, nâu, đen); Thể mi - tạo dịch bên trong mắt; Hắc mạc - rất nhiều mạch máu cung cấp máu cho mắt. Tình trạng viêm xảy ra ở bất cứ 1 trong 3 phần này gọi là viêm màng bồ đào (VMBĐ).
VMBĐ là một bệnh lý cấp cứu về mắt. Nếu không được điều trị sớm và tích cực, có thể dẫn đến tình trạng giảm thị lực hoặc thậm chí mất thị lực hoàn toàn. Đây cũng là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ ba ở các nước đã phát triển.
Nguyên nhân gây VMBĐ
VMBĐ có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, ở mọi chủng tộc. Tỷ lệ VMBĐ ở trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 5 - 10% các trường hợp VMBĐ.
Nguyên nhân gây VMBĐ có thể do nhiễm trùng bởi một chấn thương mắt, hoặc có thể do một bệnh tự miễn (đây là tình trạng do cơ thể nhận dạng sai lầm một số tế bào, cơ quan trong cơ thể và coi chúng như là những phần lạ, do đó sản sinh ra một chất gọi là kháng thể để chống lại tế bào và cơ quan đó).
VMBĐ có thể hiện hữu một mình nó, hoặc đôi khi là dấu hiệu của những bệnh khác; ví dụ bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Nguyên nhân chính xác của VMBĐ ở trẻ em có khi không thể xác định được, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng VMBĐ không phải là một bệnh lây lan từ trẻ này cho trẻ khác.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị VMBĐ
Đau mắt hoặc đỏ mắt, chói mắt khi gặp ánh sáng, nhìn mờ, thấy những vệt lóe sáng trong mắt, đôi khi thấy những chấm đen bay lởn vởn trong mắt hoặc biểu hiện tình trạng 2 mắt bị lệch hướng (trong y học gọi là lé).
VMBĐ có thể gây ra bệnh lý đục giác mạc, cườm nước, cườm khô hoặc bong võng mạc khiến trẻ có thể bị mù. Hãy để ý đến dấu hiệu như trẻ cố tránh ánh sáng, rất cố gắng để nhìn cũng như để viết hoặc dấu hiệu 2 mắt nhìn lệch hướng. Khi phát hiện những dấu hiệu trên, nên đưa các em đi kiểm tra mắt ngay.
Chẩn đoán và điều trị
VMBĐ chỉ có thể được chẩn đoán và điều trị tại phòng khám chuyên khoa Mắt. Nếu trẻ đang được theo dõi và điều trị một bệnh lý về khớp hoặc một bệnh tự miễn khác, cần cho trẻ đi khám mắt định kỳ hoặc đưa trẻ đi khám mắt ngay khi ghi nhận có một trong những dấu hiệu đã nêu trên.
Trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ, uống, hoặc chích, đôi khi phải kết hợp nhiều dạng. Trẻ sẽ được dùng thuốc ức chế tình trạng viêm và sửa chữa hệ thống miễn dịch. Trẻ sẽ được dùng thuốc trong thời gian dài và được hẹn khám định kỳ để giảm liều thuốc cho đúng, giảm nguy cơ tái phát. Do đó, ở trường, trẻ cần có lịch dùng thuốc và điều này cần sự giúp đỡ của y tá trong trường.
Những điều cần làm để giúp trẻ điều trị bệnh
- Giảm tình trạng chói mắt ở trẻ bằng cách cho trẻ đeo kính che mắt và đội nón rộng vành khi ra ngoài trời, trong lớp học không nên cho trẻ ngồi đối diện cửa sổ, bố trí chỗ ngồi cho trẻ sao cho ánh sáng không chiếu trực tiếp vào bề mặt làm việc của trẻ, nên cho trẻ dùng giấy màu hơi xanh lá cây để giảm độ chói sáng từ giấy, khuyên trẻ nên nghỉ ngơi sau khi đọc, viết hoặc làm việc với máy vi tính.
- Cho trẻ đọc với chữ được in lớn hơn trên sách cũng như trên màn hình vi tính và giảm số lượng chữ in trên trang giấy, nếu cần có thể in tài liệu riêng cho trẻ.
- Dùng những đồ vật có độ tương phản rõ rệt cho trẻ dễ thấy, ví dụ như màu sắc sáng trên nền tối...
- Giảm số lượng bài tập cho trẻ.
- Khi trẻ chơi thể thao, cần cho trẻ đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt.
- Trong quá trình dùng thuốc, trẻ có thể thay đổi về thể chất và tính tình, trẻ dễ bị mập lên, mặt nổi mụn nhiều, tính tình dễ cáu gắt hơn... Trẻ rất dễ bị mặc cảm và xa lánh bạn bè.
- Nên tạo điều kiện cho trẻ được đi khám bệnh đúng hẹn.
Thạc sĩ - BS Mai Đăng Tâm
(Khoa Mắt Nhi - BV Mắt TP.HCM)
Bình luận (0)