BV công: con nằm sau... váy mẹ
Đầu năm, Báo Thanh Niên đã có bài viết về tình hình các bệnh viện (BV) phụ sản dập dìu lượng chị em đến sanh đẻ, và theo dự đoán của các nhà chuyên môn lúc bấy giờ, đến thời điểm cận kề cuối năm 2007- năm được xem là "con heo vàng", tình hình giường bệnh cho sản phụ sẽ rất căng, bởi sẽ có một lượng lớn thai phụ "đổ bộ" vào BV để "bắt" heo vàng sau một quá trình chuẩn bị công phu! Đúng như lời tiên đoán đó, hiện nay, các BV phụ sản đang rất bối rối, vì không biết lấy đâu ra giường cho sản phụ.
Hai BV công đầu ngành về sản phụ khoa tại TP.HCM là BV phụ sản Từ Dũ và BV phụ sản Hùng Vương ngày thường đã đông đúc, giờ đến thời điểm cuối năm "heo vàng" lại càng quá tải, sản phụ đông đến mức sanh xong không có chỗ để nằm, em bé thì phải ké thân đằng sau váy mẹ. "Kinh khủng" nhất là tại khoa Hậu phẫu (nơi dành cho các bà mẹ sau sanh mổ bắt con) tại BV Từ Dũ, lượng sản phụ đông quá mức đến ngột ngạt. Cuối tuần qua, khi chúng tôi ghé phòng 306 của khoa Hậu phẫu - phòng chỉ có 18 giường, nhưng phải "gánh" đến 60 sản phụ, căn phòng gần như không thấy giường bệnh đâu, chỉ thấy toàn sản phụ, em bé và những người thân lo nựng nịu "heo vàng"! Sản phụ và em bé còn tràn ra ngoài, dọc hai bên hành lang khoa Hậu phẫu, phải nằm ghế bố xếp dày đặc. Chưa hết, do em bé không có chỗ nằm, nên mẹ nằm trên ghế bố, để bé ké thân vào giữa khoảng trống hai chân, dưới váy mẹ trông thật tội nghiệp! Chị Liêu Thị Mỹ Dung - nữ hộ sinh trưởng của khoa Hậu phẫu cho biết: "Sản phụ đông quá, không thể nào đủ chỗ, khoa chỉ có 90 giường, nhưng mấy ngày qua, lúc nào cũng có 140-150 sản phụ, nên buộc các sản phụ phải nằm chung giường và nằm ghế bố". Phía dưới một lầu là khoa Sản A, sản phụ và em bé cũng chen chúc không kém. Chị Thu Thảo - nữ hộ sinh trưởng khoa này cũng cho biết: "Khoa chỉ có 150 giường, nhưng mấy ngày nay luôn luôn có 240-270 sản phụ túc trực".
Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó giám đốc BV Từ Dũ kêu khổ: "Thời điểm này những năm trước, mỗi ngày BV tiếp nhận nhiều nhất không đến 150 sản phụ, còn hiện tại, có ngày vượt ngoài 200 ca đến sanh. Đã mệt vì tình trạng BV quá tải dữ dội số chị em đến sanh, công việc lút đầu, y bác sĩ còn phải bận bịu với việc giải thích mặt lợi, hại cho rất nhiều trường hợp đòi sanh mổ chọn ngày, chọn giờ. Số trường hợp này trong những ngày qua rất đông". Trong những ngày này, BV Từ Dũ phải tuyển thêm lực lượng nữ hộ sinh làm việc bán thời gian, vì lực lượng chính không thể làm xuể. Mặc dù đã kê thêm giường, ghế bố, và phải rút ngắn thời gian nằm hậu sản (bình thường sanh mổ nằm 7 ngày, sanh thường 3-4 ngày, nay rút thời gian xuống ngắn ngày hơn)... nhưng, Từ Dũ vẫn không đáp ứng kịp chỗ nằm cho sản phụ liên tục, liên tục được đưa ra từ các phòng sanh, phòng mổ! Do vậy, BV phải áp dụng thêm biện pháp "lực lượng vãng gia" phục vụ cho những sản phụ ngụ ở TP.HCM - lực lượng này đến tận nhà chăm sóc cho sản phụ, em bé sau sanh để sản phụ không phải nằm lâu tại BV. Hiện nay, lượng sản phụ hậu sản tại BV Từ Dũ được bố trí nằm rải rác tại các khoa, phòng, nơi nào còn trống thì chen sản phụ vào. Thông thường khi thai phụ đến BV Từ Dũ để sanh đẻ, thì liên hệ bộ phận đăng ký giường để đăng ký trước. Nhưng nay, bộ phận này nhận thì nhận chứ không dám... hứa ngày nào có giường. 12 bàn sanh lớn, 12 bàn sanh dịch vụ, 4 phòng sanh gia đình tại BV Từ Dũ trong những ngày qua phải "chạy" hết công suất, vậy mà cũng không thể giải quyết kịp cho lượng... bà bầu liên tục vào ra.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TP.HCM), trong 9 tháng đầu năm nay tổng số phụ nữ vào sanh đẻ tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tăng hơn gần 10 ngàn trường hợp so với 9 tháng đầu năm 2006 (gần 87 ngàn ca so với 78 ngàn ca). Theo dự báo của các bệnh viện phụ sản, tình hình sinh "heo vàng" từ nay đến trước đêm giao thừa Tết âm lịch sẽ là rất căng, vì còn một lượng rất lớn thai phụ đang sắp "bể" bầu. Giường cho hậu sản tại các bệnh viện sẽ thiếu trầm trọng hơn nữa. |
BV tư cũng quá tải
Ngay cả BV dạng khách sạn như BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn - PSQTSG (TP.HCM) cũng quá tải sản phụ trầm trọng trong những ngày qua, BV phải xin sản phụ "nhường bớt giường" để sản phụ khác có chỗ mà nằm. Tổng giám đốc BV PSQTSG, ông Nguyễn Xuân Huy cho biết: "Năm "heo vàng" BV luôn quá tải, đặc biệt là những ngày gần hết năm. BV có 138 giường, nhưng hiện nay ưu tiên dành gần hết số giường ấy cho chị em hậu sản (với 128 giường). Tại phòng chờ sanh, mỗi ngày luôn có 35-40 thai phụ túc trực chờ sanh. Nhiều sản phụ gia đình có điều kiện kinh tế muốn bao luôn một phòng (loại phòng có 2 giường), nhưng thời điểm quá căng này, chúng tôi phải xin gia đình không bao phòng nữa, vì còn phải nhường giường cho những chị em khác! Trước tình hình này, các gia đình sản phụ đều hiểu, thông cảm, nên sẵn sàng sẻ chia!". Giá 1 giường cho sản phụ tại BV PSQTSG là 500 ngàn đồng/ngày (loại phòng 2 giường); loại phòng 1 giường là 750 ngàn đồng/ngày; loại giường VIP là 1,350 triệu đồng/ngày; tiền 1 ca sanh thường là 2,2 triệu đồng. Tổng chi phí cho 1 ca sanh thường tại đây là ngoài 3 triệu đồng (bao gồm cả tiền sanh, tiền phòng, các bữa ăn...).
Tương tự, tại khoa Sản của BV Đại học Y Dược (TP.HCM) cũng thiếu giường hậu sản trầm trọng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khối phòng Khám sản phụ khoa cho biết: "Khoa có 180 giường, nhưng vẫn thiếu giường cho sản phụ. Vì thế, chúng tôi may chỉ tan cho sản phụ về sớm sau sanh, để có giường cho sản phụ khác. Không chỉ khó khăn về giường, chúng tôi còn khó khăn về người do sản phụ gia tăng quá nhiều". BV đa khoa An Sinh (TP.HCM) cũng gặp tình cảnh thiếu giường hậu sản do tăng lượng sản phụ. Vì vậy, thay vì trước đây mỗi phòng tại khoa Sản của BV này chỉ dành cho một giường, giờ phải giải quyết tình thế bằng cách mỗi phòng đặt hai giường...
Chuyện nhiều người quan niệm năm Đinh Hợi - năm "con heo vàng" là rất nhiều, con cái sinh vào năm này sẽ phú quý, cao sang! Vì thế, các BV phụ sản mới quá tải trầm trọng như trên. Các bác sĩ cũng không câu nệ, và cho rằng, "Việc người Á Đông có suy nghĩ, quan niệm như thế là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, BV chỉ cố gắng phục vụ cho tốt một lượng lớn bà bầu vào ra liên tục mỗi ngày...".
Thanh Tùng
Bình luận (0)