Bảo vệ BV nhân dân 115 được huy động đến Khoa Cấp cứu trong một vụ côn đồ tấn công - Ảnh: Thanh Thùy |
Trước đây, cũng do mâu thuẫn dẫn đến đâm chém nhau xảy ra ngoài đường, sau đó nhóm côn đồ đã truy đuổi nạn nhân đến tận Khoa Cấp cứu của Bệnh viện (BV) Q.Tân Bình, khiến ê kíp trực cũng bị một phen khiếp vía, chạy tán loạn để thoát thân.
Đặc biệt, vụ việc côn đồ trấn áp, bắt chẹt người bệnh suốt một thời gian dài ở BV Phạm Ngọc Thạch (Q.5), và vụ việc hàng chục côn đồ mang theo hung khí tràn vào gây náo loạn ở BV nhân dân Gia Định rạng sáng 23.9 vừa qua khiến y, bác sĩ (BS) một phen khiếp vía, người phải leo nóc nhà, người tìm chỗ núp thoát thân - cho thấy tình trạng an ninh ở môi trường BV thật sự đáng báo động.
Bảo vệ “họp khẩn”
|
Trước thực trạng bất an, mỗi BV đã phải tự trang bị cho mình những công cụ hỗ trợ, phòng thân. Bảo vệ của BV nhân dân 115 thì trang bị một số roi điện, tay chắn (theo một BS, tay chắn là để chống đỡ nếu côn đồ dùng hung khí, mã tấu tấn công), và lưới để bủa vây côn đồ manh động.
BV Chợ Rẫy thì bảo vệ được trang bị roi sắt. Ông Trần Cư -Đội trưởng Đội Bảo vệ BV Chợ Rẫy, cho hay: “Trước đây bảo vệ BV có trang bị roi điện, nhưng vì e ngại lỡ không may sử dụng trúng người đang có bệnh sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm nên không dùng nữa”. Theo ông Cư, bảo vệ BV cũng có vài cây súng (dạng súng hơi cay, gây tê) nhưng chỉ dùng trong những trường hợp thật đặc biệt cần thiết. “Khi xảy ra vụ việc ở BV nhân dân Gia Định, lực lượng bảo vệ chúng tôi đã họp khẩn với nhau để tăng cường cảnh giác”, ông Cư nói. BS Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, chia sẻ thêm: “Mỗi khi tiếp nhận những ca đâm chém, bắn nhau thì ngay lập tức y, BS sẽ báo liền cho bảo vệ, để bảo vệ kịp thời chuẩn bị ứng phó, cũng như liên lạc ngay với công an nếu thấy cần thiết”.
BS Nguyễn Đức Trí, Phó giám đốc BV nhân dân Gia Định, cũng cho biết: “Qua vụ việc vừa rồi, chúng tôi sẽ tăng cường cả số lượng và chất lượng cho bảo vệ. Khuôn viên BV rất rộng nhưng chỉ có 30 bảo vệ là mỏng, chúng tôi sẽ tăng cường thêm, và cho bảo vệ tập huấn chuyên môn sử dụng các công cụ hỗ trợ để dùng không bị sai luật. Chúng tôi sẽ làm việc với công an để xem có thể trang bị được những gì tại BV, nhằm ứng phó tạm thời lúc xảy ra vụ việc trước khi lực lượng công an có mặt. Bên cạnh đó sẽ cho gắn thêm camera ở nhiều vị trí”.
Cần sự trấn áp kịp thời của công an
Trên thực tế, hầu hết các BS tiếp xúc với chúng tôi đều nhìn nhận, dù có biện pháp gì, nếu không được sự ứng cứu kịp thời của lực lượng chức năng bảo vệ pháp luật thì cũng rất khó yên tâm.
“Cho dù bảo vệ có được trang bị công cụ hỗ trợ, nhưng với vụ việc vừa rồi ở BV chúng tôi thì cũng không thể giải quyết được”, BS Nguyễn Đức Trí nói. Một BS của BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng nói thẳng: “Bảo vệ, hay BS có trang bị cỡ nào cũng không thể ứng phó được với tình huống như ở BV nhân dân Gia Định vừa qua. Chỉ có lực lượng công an mới can thiệp nổi. Các BV cần thiết lập đường dây khẩn, làm sao để báo cho lực lượng công an đến hỗ trợ nhanh nhất khi có côn đồ quậy phá.
Có ý kiến cho rằng, BV cần lập đường dây nóng nối mạng trực tiếp với Lực lượng CS 113, CSCĐ của Công an TP; ban chỉ huy công an quận, huyện... để khi nhận được tin, lực lượng công an nhanh nhanh chóng có mặt ở hiện trường để trấn áp côn đồ. Mặt khác, chỉ huy công an quận cũng sẽ nhanh chóng đánh giá, nhận định tình hình chính xác hơn để huy động lực lượng tương xứng trấn áp kịp thời.
Thanh Tùng - Đàm Huy
>> Xách mã tấu xông vào bệnh viện đòi 'xử' một bệnh nhân
>> Bác sĩ trong vòng vây giang hồ, mã tấu
Bình luận (0)