Trường ĐH Phan Châu Trinh (PCTU) thuộc Tập đoàn y khoa Tâm Trí, có hệ thống bệnh viện (BV) thực hành là 4 BV đa khoa Tâm Trí trên toàn quốc (tại Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Tháp, TP.HCM) và 1 BV đa khoa ĐH Phan Châu Trinh với tiêu chuẩn 300 giường ngay tại khuôn viên của trường. Sinh viên (SV) khối ngành Khoa học sức khoẻ của Trường ĐH Phan Châu Trinh được tham gia thực tập tại BV ngay từ học kỳ đầu tiên và tổng thời lượng thực hành toàn khóa lên tới 70%.
Sau khi hoàn thành các môn cơ sở trong năm học đầu tiên song song với chương trình học lý thuyết trên lớp, SV của Trường ĐH Phan Châu Trinh sẽ được tham gia học lâm sàng và thực hành tại hệ thống BV của trường... BV Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng được thành lập trong khuôn viên nhà trường (quy mô 300 giường bệnh) được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tối ưu, sẽ có đội ngũ y, bác sĩ trong nước với chuyên môn cao, đồng thời có sự hỗ trợ của các bác sĩ uy tín đến từ Pháp, Mỹ... Đây là nơi cung cấp các dịch vụ y tế đa dạng, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong nước và quốc tế.
Với tổng số hơn 1.100 giường bệnh, hệ thống BV của Tập đoàn y khoa Tâm Trí và BV Trường ĐH Phan Châu Trinh hy vọng sẽ là nơi “khởi nghiệp” của các SV y khoa nói riêng, SV các khối ngành khoa học sức khoẻ nói chung, khi ra trường.
Điều kiện thực hành lâm sàng tối ưu
Phan Văn Bảo Long, SV y khoa Trường ĐH Phan Châu Trinh, cho biết ngay từ đầu năm học, các SV nhận được kế hoạch thực tập lâm sàng đợt 1, đợt 2. “Khi SV đến thực tập, các bộ môn lâm sàng đã kết nối với cơ sở thực hành nên quá trình thực tập lâm sàng tại cơ sở y tế rất thuận lợi, được tạo điều kiện thực hành tối ưu. Được tiếp xúc với bệnh nhân, làm việc thực tế tại giường bệnh có sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của thầy cô nên kiến thức vững hơn rất nhiều”, Long chia sẻ.
TS-BS Tô Viết Thuấn, Phó trưởng Khoa y phụ trách lâm sàng (Trường ĐH Phan Châu Trinh), cho biết vì là ngành học đặc thù nên trường và các BV cũng tạo điều kiện tối đa cho SV đi thực tập, thực hành lâm sàng để nâng cao kỹ năng, tay nghề. “Các bác sĩ tham gia công tác giảng dạy lâm sàng ngoài hướng dẫn, giảng dạy cho SV còn được bệnh viện tạo điều kiện tập huấn nghiệp vụ, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn”, bác sĩ Thuấn chia sẻ thêm.
Có thể nói, việc thực hiện giảng dạy theo mô hình kết hợp viện - trường đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế nói chung, đồng thời tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhà trường trong giai đoạn mới với nhu cầu nhân lực y tế rất lớn. BS Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh, Tổng giám đốc Tập đoàn y khoa Tâm Trí, cho biết trường sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt quy chế kết hợp viện - trường, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học lâm sàng của giáo viên và học sinh, SV. “Mặt khác, trường tạo điều kiện để giáo viên nhà trường có điều kiện phát triển nâng cao kỹ năng tay nghề trong công tác khám, chữa bệnh và phục vụ giảng dạy lâm sàng cũng như huy động được tối đa cán bộ ngành y tế có tay nghề cao tham gia công tác giảng dạy”, BS Nguyễn Hữu Tùng nói.
Bình luận (0)