Về cả Berlin hay Berlinale, trước khi nhìn thấy tường tận, người yêu phim như tôi chỉ có một thắc mắc giản dị rằng, để xem, cái nơi mà Lý An - niềm tự hào của điện ảnh châu Á đã “được phát hiện ra” trông nó như thế nào.
Toàn cảnh thảm đỏ của đoàn phim Cinderella được nhìn từ trên căn phòng đang diễn ra buổi giao lưu Q&A của đoàn phim Cha, con và...
|
Đoàn phim Cha, con và... trong buổi họp báo sáng 13.2, sau buổi ra mắt phim cho báo giới
|
Poster phim Cha, con và... trong Chợ phim châu Âu. Phim đã được hãng phát hành Memento Films mua quyền phát hành tại Pháp - Ảnh: Ngân vi
|
7 giờ tối 13.2, đoàn phim Cha, con và... có buổi giao lưu Q&A với khán giả sau buổi công chiếu. Trước đó, 9 giờ sáng, bộ phim đã có buổi ra mắt cánh báo giới đến từ nhiều hãng thông tấn lớn nhỏ. Thật lòng, dù là một nhà báo VN tới Liên hoan phim (LHP) Berlin (The Berlin international film festival) hay gọi ngắn gọn là Berlinale để ủng hộ cho phim VN, tôi vẫn không thể từ chối chuyện bị xao nhãng bởi tiếng reo hò từ phía dưới tòa nhà vọng lên. Kìa, qua một lớp cửa kiếng, siêu sao hai lần đoạt giải Oscar Cate Blanchett vừa bước ra khỏi chiếc xe đưa rước của LHP. Nàng chưa vội lướt trên thảm đỏ vì bận ký tặng người hâm mộ.
|
13.2, còn hai ngày nữa là kết thúc Berlinale. Người Đức vốn nổi tiếng khoa học, mà chẳng cần ví von đâu xa, giả sử chưa từng có dịp làm việc cùng họ thì dễ dàng nhất là hãy cứ nhìn bóng đá của họ để hiểu. Để biến Berlinale trở thành một trong ba LHP lớn nhất thế giới bên cạnh Cannes và Venice, vẫn là cần cái sự khoa học ấy. Tôi đã được nghe một vài nhà làm phim từng có cơ hội đến nhiều LHP trên thế giới, chắc người đầu tiên chính là đạo diễn Phan Đăng Di, kể rằng, cùng mang tầm vóc ngang nhau, nếu LHP Cannes tựa một bữa tiệc điện ảnh xa hoa lộng lẫy thì ấn tượng về Berlinale là sự ngay ngắn tới độ lạnh lùng, như những khối nhà vuông vắn mà kiến trúc Đông Đức để lại. Hơn 400 phim bao gồm phim Tranh giải chính thức, Toàn cảnh, Phim ngắn... chiếu tại 22 rạp ở Berlinale 2015 với tổng số khoảng 325.000 vé đã bán ra, rồi vô số hoạt động như thảm đỏ, họp báo, chụp ảnh... Tuy nhiên mọi thứ cứ tuyệt đối trật tự. Trong ngày 13, có 3 phim Tranh giải chính thức cùng công chiếu là Cha, con và... của VN, Ten no chasuke của Nhật Bản và Cinderella của Mỹ. Phim VN họp báo, phim Mỹ công chiếu cho khán giả, phim Nhật Bản có buổi Q&A..., Khi đoàn Cha, con và... đang có buổi Q&A bên trên thì đoàn Cinderella đang là lượt dạo bước thảm đỏ bên dưới. 10 ngày Berlinale, liên tục những sự kiện điện ảnh, liên tục những bộ phim ra mắt, liên tục những hàng người nối dài. Có lẽ vì thế mà cảm giác về một tác phẩm điện ảnh được xuất hiện nơi đây đã chuyển đổi trong tôi hết sức mâu thuẫn, lúc thì thấy nó lớn lao, lúc thì nghĩ nó bé nhỏ. Rất may, đó không phải là cảm giác dành cho Cha, con và... bởi dẫu sao, bộ phim cũng không phải là một trong số hơn bốn trăm kia mà là một trong số mười chín phim Tranh giải chính thức - phần quan trọng nhất của Berlinale, luôn thế. Và giây phút đoàn làm phim dắt tay nhau bước lên sân khấu, trước khoảng 1.600 người cả những nhân vật quan trọng trong giới điện ảnh lẫn khán giả bình thường sau khi kết thúc buổi công chiếu thì cảm giác dành cho Cha, con và... đã rõ ràng hơn bao giờ hết. Phan Đăng Di đứng đấy, câu đầu tiên anh ta nói không về bộ phim. Anh chỉ hạnh phúc vì được nói tiếng Việt, và anh khen tiếng Việt đẹp. Điều này gợi nhớ đến việc anh đã đề nghị Đỗ Thị Hải Yến cố gắng phải mặc áo dài đi trên thảm đỏ, dù Yến đang mang thai tháng thứ sáu.
Không quá xa rạp Berlinale Palast, nơi diễn ra các buổi công chiếu ra mắt và lễ bế mạc Berlinale, là khu vực dành riêng cho Chợ phim châu Âu. Năm nay, chợ phim đã thu hút được 8.500 chuyên gia từ hơn 100 quốc gia và gần 750 bộ phim tham gia vào cuộc mua bán điện ảnh khổng lồ. Tôi vào khu vực Chợ phim châu Âu ngay buổi cuối cùng, mới thấy, nghệ thuật cũng rất chịu khó đi bộ từ Berlinale Palast sang chợ phim để hòa mình vào dòng chảy thương mại. Poster của Cha, con và... được treo khá to ở đây. Người ra người vô tấp nập. Nghe bảo, những phim nằm trong danh sách Tranh giải chính thức dễ bán hơn phim bình thường. Phim của Phan Đăng Di đã được một hãng phát hành nổi tiếng của Pháp là Memento Films mua quyền phát hành tại Pháp. Tôi đơn giản là người mê phim, lại không hứng thú lắm với chuyện mua bán, nên việc đến Chợ phim châu Âu chỉ là để gật gù ừ, Berlinale quy mô thật; ừ, người Đức chuyên nghiệp thật.
Nhưng có một chuyện không chỉ để gật gù. Đó là câu nói của Phan Đăng Di: “Nhìn xem, đây là lý do mà dân làm phim nào cũng khao khát được tới những chỗ như Berlinale này”.
Bình luận (0)