|
Khi chúng tôi có mặt ở UBND P.Thành Công (Q.Ba Đình, Hà Nội) thì “đụng” ngay 2 cán bộ nữ. Ngồi ở ô “tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính”, nữ cán bộ trẻ cũng đeo bảng tên nhưng thòng khuất dưới bàn nên chẳng ai đọc được. Nghe hỏi về việc nộp hồ sơ chứng thực sao y, chị này lạnh lùng nói: “Bây giờ không tiếp nhận nữa”. “Hết thời gian hả em?”. Chị ta vẫn thủng thẳng: “Không phải hết thời gian, mà là nhiều hồ sơ quá không làm kịp, ngày mai chị quay lại”. “Bây giờ không thể tiếp nhận để mai trả hả em?”. Thấy chúng tôi vẫn kiên nhẫn, nữ cán bộ này mới chịu ngước lên một chút, rồi đáp: “Chị sang hỏi chị bên này”.
"Cứ ra sớm hơn, có thì lấy”
Đem câu hỏi cũ sang hỏi nữ nhân viên nhiều tuổi hơn (không đeo biển tên) ngồi ở bộ phận “Hộ tịch - Tư pháp - Chứng thực - Sao y bản chính”, chúng tôi nhận được câu từ chối tiếp nhận hồ sơ, kèm theo lý do "còn bao nhiêu người đang phải chờ”. Chúng tôi nằn nì đề nghị nộp luôn để mai quay lại lấy, chị ta cao giọng, nói như ra lệnh: “Đúng 8 giờ sáng mai em đến đây mới làm được, 9 giờ chưa chắc đã làm được, chiều lấy”.
Không riêng chúng tôi, nhiều người đến đây làm thủ tục đã không quên để lại “bút tích” ở cuốn sổ góp ý. “Tôi đã ra phường rất nhiều lần để công chứng giấy tờ nhưng tôi thấy cách làm việc của phường Thành Công so với các phường khác rất phiền hà, gây khó cho dân… Có lần tôi ra phường công chứng lúc 10 giờ 5 cán bộ nói hết giờ chiều ra. Chiều 15 giờ 15 tôi ra, cán bộ lại nói hết giờ bảo tôi ngày hôm sau ra. Còn hôm nay tôi ra công chứng lúc 8 giờ sáng, cán bộ ghi giấy hẹn 16 giờ cùng ngày. Tôi có đề nghị được lấy kết quả sớm hơn để còn kịp vào trường nộp học bạ và giấy tốt nghiệp cho cháu, cán bộ nói cứ ra sớm hơn, có thì lấy. Vậy mà 15 giờ 10 vẫn chưa nhận được kết quả. Tại sao ở phường Thành Công việc công chứng giấy tờ lại vất vả như vậy? Hay vẫn là cái câu từ thời bao cấp hành là chính?”, công dân Tôn Đào Anh, ngụ phòng 216 nhà G6B Thành Công, viết như vậy.
|
Nếu giấy hẹn tháng 6 thì cứ tháng 6...
Chiều 11.4, chúng tôi theo chân một công dân trở lại UBND P.Thành Công để làm thủ tục xin cấp thẻ bảo hiểm cho con mới sinh. Cháu bé tên Nguyễn V.P vừa được làm xong giấy khai sinh trong tháng 3, chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Vì cháu đang nằm viện nên bố cháu đến phường hỏi thủ tục cấp thẻ bảo hiểm cho con để được miễn giảm viện phí, thì nhận được câu trả thờ ơ từ nữ cán bộ ngồi ở ô “Hộ tịch - Tư pháp - Chứng thực - Sao y bản chính”: Nếu giấy hẹn ghi tháng 6 thì cứ tháng 6 mới đến. Cuối tháng bọn chị chuyển hồ sơ lên trên quận rồi hơn một tháng sau quận chuyển lại. Khi đó mới có thẻ bảo hiểm. Nữ cán bộ ngồi ở bộ phận “Tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính” khẳng định thêm: “Nếu trường hợp cháu khai sinh trong tháng 3 thì phường đã chuyển hồ sơ làm bảo hiểm lên trên quận rồi”, và hướng dẫn lên Bảo hiểm xã hội của Q.Ba Đình tại 71 Quán Thánh.
Tuy nhiên, tại Bảo hiểm xã hội Q.Ba Đình, cán bộ Nguyễn Thị Thùy Linh khẳng định chưa nhận được hồ sơ xin cấp bảo hiểm cho cháu P. từ UBND P.Thành Công chuyển lên. Để chứng thực lời nói, cán bộ Linh còn cẩn thận lấy danh sách gần 20 trường hợp trẻ sơ sinh xin cấp thẻ bảo hiểm của P.Thành Công trong tháng 3, nhưng không thấy có tên cháu P. “Danh sách này gửi lên hôm 2.4, chúng tôi hẹn đến 16.4 sẽ trả thẻ. Bảo hiểm xã hội Q.Ba Đình không hề có trục trặc gì mà sao phường lại hẹn trường hợp cháu bé này đến tận 1.6 mới có thẻ. Bình thường cứ chừng khoảng 1 tháng sau khi hồ sơ xin cấp thẻ bảo hiểm y tế từ phường gửi lên là chúng tôi đã làm xong”, bà Linh cho hay.
Do chiều 11.4 đã hết giờ hành chính nên sáng hôm sau 12.4, chúng tôi tiếp tục cùng bố cháu P. quay lại phòng làm thủ tục hành chính P. Thành Công để làm rõ, thì 2 nữ cán bộ ở đây, bằng thái độ miễn cưỡng tiếp chuyện và vẫn khẳng định chắc nịch là đã chuyển hồ sơ lên trên quận, đồng thời không quên dặn: “Nếu giấy hẹn ghi 1.6 thì cứ ngày đấy đến sẽ… có thẻ”.
|
Vô tư “buôn” điện thoại
Chiều 10.4, chúng tôi đến bộ phận “một cửa” ở Cục Thuế Hà Nội. Tại bàn tiếp nhận hồ sơ thuế cá nhân lúc này đông kín người dân đến làm thủ tục. Mặc dù chưa đến 16 giờ 30, nhưng 2 cán bộ xử lý hồ sơ thuế cá nhân là Phạm Minh Thắng và Nguyễn Ngọc Loan luôn miệng kêu “hết giờ rồi, không nhận thêm hồ sơ nữa” và “đuổi” người dân về. Khi thấy nhiều người nằn nì trình bày rất khó xin nghỉ làm ở cơ quan để đến làm thủ tục thuế cá nhân, hai cán bộ này mới miễn cưỡng tiếp nhận thêm 3 trường hợp.
Khi tiếp nhận hồ sơ của một công dân đến làm thủ tục quyết toán thuế và tra trên mạng chưa thấy đăng ký, cán bộ Thắng nói gần như quát: “Bộ này chưa đẩy lên mạng”, rồi thẳng thừng trả lại, bỏ ngoài tai những lời thanh minh giải thích của người đối diện.
Chiều 11.4, chúng tôi trở lại Cục Thuế Hà Nội và tiếp tục chứng kiến thái độ phục vụ người dân không khác gì hôm trước của hai cán bộ này. Điều đáng nói, trong lúc hàng chục người dân đang rất sốt ruột chờ làm thủ tục thì cán bộ Nguyễn Ngọc Loan vô tư “buôn” điện thoại.
“Đúng là đi làm thủ tục hành chính mới biết, mình cần nhưng cán bộ không vội”, một vị trong số những người dân ngồi chờ than.
Mất con dấu, UBND phường... nghỉ sớm Ngày 15.4, ông Trần Hiền, quyền Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết đang chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, làm rõ vụ mất con dấu UBND P.9 xảy ra vào sáng cùng ngày. Theo trình bày của bà Cộng Thị Lan, Chủ tịch UBND P.9, sau chào cờ đầu tuần, chị Nguyễn Thị Ân, cán bộ văn phòng (người giữ con dấu) mang hộp con dấu ra rồi để trên bàn lên gặp chủ tịch phường lấy bản kế hoạch, chừng 10 phút sau trở xuống thì không tìm thấy con dấu nữa. Trong hộp, ngoài con dấu UBND phường còn có rất nhiều con dấu khác như con dấu chức danh, con dấu tên chủ tịch, phó chủ tịch … nhưng chỉ mất đúng con dấu UBND phường. Bà Lan cho biết: “Lúc chị Ân rời văn phòng, còn có 5 cán bộ khác của phường cũng có mặt tại đây. Bà Lan cho rằng là “cán bộ phường lấy” chứ không phải người ngoài, vì con dấu biến mất chỉ trong 10 phút, trong khi tại văn phòng còn có 5 cán bộ. “Chúng tôi vận động anh chị em nào lỡ đùa giỡn quá mức thì trả lại nhưng chẳng có cán bộ nào chịu nhận. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu những người có mặt làm tường trình. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên UBND thành phố để xin ý kiến”, bà Lan nói. Do không tìm thấy con dấu nên sáng qua UBND phường treo biển “Ủy ban bận họp không tiếp dân”. Buổi chiều thì mở cửa tiếp dân nhưng UBND phường hẹn khi nào có con dấu mới giải quyết hồ sơ.
Đức Huy |
Bảo Cầm - Lê Quân - Minh Hoàng
Bình luận (0)