BHXH, BHYT san sẻ tài chính, giúp người đóng vượt qua khó khăn

19/04/2019 08:00 GMT+7

BHXH tự nguyện là một kênh đảm bảo an sinh xã hội bền vững còn BHYT giúp chăm sóc, điều trị cho người dân đỡ mất chi phí mà vẫn đảm bảo được KCB tại cơ sở uy tín nhất, Phó giám đốc BHXH TP.HCM thông tin.

Ngày 18.4, tại tòa soạn Báo Thanh Niên diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), những vấn đề mà người lao động, doanh nghiệp và người dân cần quan tâm".
Các khách mời đến từ cơ quan BHXH TP.HCM đã giải đáp hơn 200 câu hỏi về chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và BHXH cho người nước ngoài.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Lưu Thị Thanh Huyền (Phó giám đốc BHXH TP.HCM) về ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT sau buổi giao lưu.
Buổi giao lưu trực tuyến nhận được hơn 200 câu hỏi của bạn đọc. Bà đánh giá như thế nào về sự quan tâm của họ đối với chính sách BHXH tự nguyện và BHYT?
- Bà Lưu Thị Thanh Huyền: Người dân chú ý hơn đến chính sách BHXH tự nguyện nghĩa là họ bắt đầu quan tâm đến vấn đề tích lũy tiền để sau này được hưởng khoản thu nhập khi họ mất đi sức lao động. Theo xu hướng hiện nay, khi đời sống xã hội được nâng cao, các loại hình bảo hiểm nhân thọ cũng phát triển mạnh mẽ phục vụ nhu cầu của người dân. Trong xu hướng đó, BHXH đã có những hình thức phù hợp để người dân lựa chọn. Một trong chính sách đó là BHXH tự nguyện. Đây là một chính sách đúng đắn của nhà nước, được nhà nước bảo đảm và là một kênh trong hệ thống an sinh xã hội.
Vậy việc tham gia BHXH tự nguyện có gì khác biệt với việc mua bảo hiểm nhân thọ?
- Về hình thức và cách đầu tư, bảo hiểm nhân thọ và BHXH tự nguyện là khá tương đồng và mục đích cuối cùng vẫn là để những người tham gia nhận được những chính sách có lợi với đầu ra là một nguồn thu nhất định.
Tuy nhiên, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì người dân còn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo bằng chính sách nên họ có thể an tâm và không phải lo lắng về rủi ro.
Bà có thể nói thêm về lợi ích của BHYT, nhất là việc tham gia BHYT hộ gia đình?
- Về BHYT, tôi thấy người dân đặc biệt quan tâm vì nó gắn với nhu cầu thiết thực hằng ngày của họ. BHYT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh mức sống ngày càng cao kéo theo giá dịch vụ y tế tăng. Nếu đóng BHYT hoặc BHYT hộ gia đình, việc chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ thuận tiện hơn, đỡ mất phí mà vẫn đảm bảo được khám chữa bệnh ở những cơ sở uy tín nhất.
Nếu không có sự san sẻ từ cộng đồng thì khi có rủi ro về sức khỏe, người dân cũng rất khó khăn. Chính sách BHYT thực chất là sự san sẻ tài chính và nó sẽ giúp người dân vượt qua được những rủi ro về sức khỏe mà không ảnh hưởng lớn đến thu nhập và cuộc sống của gia đình họ.
Xin bà cho biết, ngoài giao lưu trực tuyến thì BHXH TP.HCM còn có giải pháp nào để đưa chính sách đến với người dân và hiệu quả ra sao?
- BHXH TP.HCM tận dụng tất cả các kênh nghe nhìn; thông qua các tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền; tổ chức các hội nghị hoặc xuống tận địa bàn dân cư và nhiều hình thức khác nữa.
Tất cả các buổi tuyên truyền như thế này đều giúp cho người dân hiểu thêm về chính sách của nhà nước về BHXH và BHYT. Người đọc báo, xem trực tuyến thì thông tin dễ dàng lan truyền rộng khắp hơn. Để tiến tới chính sách BHXH toàn dân, BHYT toàn dân thì cơ quan BHXH luôn luôn nắm bắt các kênh thông tin kịp thời và có sức ảnh hưởng lớn để chuyển tải chính sách đến người dân. Với một xã hội ngày càng phát triển như bây giờ, việc tận dụng các hình thức trực tuyến là một trong những cách hiệu quả.
Sau tất cả các buổi tuyên truyền, tôi thấy số người tham gia BHXH tự nguyện lẫn BHYT đều tăng lên. Điều đó cho thấy, khi người dân hiểu về chính sách và họ thấy có lợi ích thì họ sẽ tích cực tham gia. Trước đây họ chưa mặn mà tham gia có thể do chưa hiểu, chưa được tư vấn đầy đủ. Vì vậy, vấn đề bây giờ là tổ chức được nhiều buổi với nhiều hình thức khác nhau để người dân hiểu đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm nếu tham gia BHXH tự nguyện và BHYT thì họ sẽ dễ quyết định hơn.
Một vấn đề nữa, làm thế nào để kéo người dân đến nghe và tìm hiểu chính sách BHXH thì một mình cơ quan BHXH không làm hết được mà các cấp chính quyền phải quan tâm và cùng hỗ trợ vì đây là con đường giải quyết vấn đề an sinh xã hội tốt nhất, thông qua chính sách BHXH và BHYT.
Lợi ích khi tham gia BHYT
Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT có nhiều quyền lợi. Thứ nhất, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; những người trong diện hộ nghèo được cấp thẻ BHYT; Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng phí BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo, những người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Nhà nước hỗ trợ 70% phí BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo...
Thứ hai, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh được Quỹ BHYT trả toàn bộ hoặc một phần tiền khám, chữa bệnh (tỷ lệ chi trả phụ thuộc vào việc chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến).
Thứ ba, trường hợp người có thẻ đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn thì Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú.
Thứ tư, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến và số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh tập hợp chứng từ đồng chi trả gửi cơ quan BHXH để được cấp giấy miễn đồng chi trả cho những lần sau trong năm.
Nhà nước hỗ trợ tiền cho người tham gia BHXH tự nguyện
Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật BHXH về BHXH tự nguyện, việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 1.1.2018. Không hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đóng BHXH tự nguyện trước 1.1.2018, trừ trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu theo phương thức đóng quy định tại điểm e khoản 1 điều 9 nghị định này.
Điều 14 nghị định này quy định:
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 điều 10 nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển KT-XH và khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
2. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
3. Phương thức hỗ trợ:
a) Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH tự nguyện do cơ quan BHXH chỉ định;
b) Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền NSNN hỗ trợ theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH;
c) Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí NSNN hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào Quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31.12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào Quỹ BHXH của năm đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.