Trong thời Chiến tranh lạnh, CIA đã thực hiện những cuộc thí nghiệm điên rồ nhằm tìm kiếm công cụ kiểm soát tâm trí con người.
Một số bệnh nhân Mỹ bị bí mật thử nghiệm LSD trong khuôn khổ chương trình MKUltra - Ảnh: Sabah |
Ngày 18.11.1953, một nhóm gồm 10 nhà khoa học và chuyên gia làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tụ tập tại một ngôi nhà gỗ bên bờ hồ Deep Creek, bang Maryland để thảo luận về dự án mới mà họ đang tham gia. Sang đến ngày thứ hai, Giám đốc dự án Sidney Gottlieb lấy ra một chai rượu có pha thuốc gây ảo giác LSD và mời cả nhóm cùng “bay”.
Sau đó, mọi chuyện có vẻ như vẫn bình thường cho đến khi chuyên gia về chiến tranh sinh hóa Frank Olson nhảy lầu tự sát từ tầng thứ 10 của một khách sạn ở thủ đô Washington, D.C vào ngày 28.11.1953. Tờ The Washington Post dẫn lại hồ sơ điều tra của cảnh sát cho biết trước khi chết, ông Olson tỏ ra rất kích động và rơi vào trạng thái trầm cảm.
Trong mấy chục năm qua, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về cái chết của Olson. Họ cho rằng ông đã nhảy lầu dưới ảnh hưởng của một loại thuốc ảo giác cực mạnh pha trong rượu còn những người cùng uống đã phục thuốc giải trước đó. Nhiều ý kiến cho rằng Olson bị CIA thủ tiêu vì muốn rút khỏi dự án bí mật mà ngày nay khét tiếng với cái tên MKUltra.
Cuộc chiến thuốc ảo giác
Theo sách A Terrible Mistake: The Murder of Frank Olson and the CIA’s Secret Cold War Experiments (tạm dịch: Một sai lầm khủng khiếp: Vụ giết hại Frank Olson và các thí nghiệm bí mật vào thời Chiến tranh lạnh của CIA) của tác giả H.P.Albarelli Jr., người mời Olson uống rượu, ông Sidney Gottlieb, chính là lãnh đạo chương trình MKUltra.
Chính thức được bật đèn xanh vào tháng 4.1953, dự án này thử nghiệm tác động của thuốc gây ảo giác và thuốc an thần với mục đích biến con người thành những cỗ máy dễ dàng bị điều khiển nhằm tiến tới lập trình những người vô tội thành sát thủ hay thậm chí là thao túng lãnh đạo nước khác. Tất cả phản ánh nỗi ám ảnh của CIA muốn tìm kiếm công cụ để chống lại Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.
Như học giả John Marks ghi nhận trong quyển The CIA and Mind Control (tạm dịch: CIA và tham vọng thao túng đầu óc), ý tưởng kiểm soát trí não con người của CIA bắt nguồn từ Thế chiến 2 khi tiền thân của cơ quan này là Văn phòng Các nhiệm vụ chiến lược (OSS) thiết lập chương trình tìm kiếm một loại “chân dược” có thể khiến đối tượng “phun ra” mọi bí mật.
Loại thuốc được chọn là một loại cần sa dưới dạng lỏng. Cuộc thử nghiệm đầu tiên được triển khai vào năm 1943 đã mang lại kết quả tương đối khả quan khi một tay tội phạm ở New York khai tất tần tật mọi thứ sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia không xác định rõ được mối liên hệ giữa thuốc và kết quả thí nghiệm nên tất cả dừng lại ở đó.
Vào ngày 13.4.1953, Giám đốc CIA Allen Dulles quyết định một lần nữa cho triển khai chương trình bí mật sử dụng các thuốc sinh học và hóa chất với ngân sách ban đầu 300.000 USD chi cho MKUltra. Thế là, hàng trăm cuộc thí nghiệm phi pháp diễn ra trong vòng nhiều năm với mọi đối tượng, thậm chí ngay cả nhân viên của chính CIA cũng không tha.
Lên đỉnh lúc nửa đêm
Theo kết quả điều tra của quốc hội Mỹ năm 1975, trong gần 2 thập niên, CIA chi gần 20 triệu USD và thuê các nhà nghiên cứu tại hơn 30 trường đại học tiến hành các thí nghiệm bí mật với những người bình thường mà không có sự đồng ý của họ. Loại thuốc chính yếu được sử dụng là thuốc gây ảo giác LSD mà nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann tổng hợp năm 1938.
Ban đầu một số đặc vụ CIA được lựa chọn để dùng LSD rồi ghi chép lại cảm giác sau mỗi lần “bay”. Dần dà, lãnh đạo MKUltra cho rằng nếu đối tượng biết trước thì sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. Thế là họ ra lệnh cấp dưới lén bỏ thuốc các đồng nghiệp bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, đồng thời theo dõi quá trình tâm lý của đối tượng những ngày sau đó.
Tình trạng này lan tràn tới mức sử gia Martin Lee viết trong cuốn Acid Dreams (tạm dịch: Những giấc mơ LSD) rằng phê thuốc trở thành một trong những rủi ro nghề nghiệp cho những ai muốn gia nhập CIA thời điểm đó. Thậm chí, tờ The New York Times dẫn một thư tín nội bộ của CIA vào tháng 12.1954 cho thấy có người đã yêu cầu lãnh đạo cấp cao nhất phải ra lệnh chấm dứt tình trạng bỏ thuốc vào thức uống trong các bữa tiệc của cơ quan. Có đặc vụ mỗi lần đi ăn uống chung với đồng nghiệp là phải mang theo đồ uống riêng.
Đến thập niên 1960, hoạt động thử nghiệm của CIA bắt đầu mở rộng đến bệnh viện, trường học, trung tâm hoạt động xã hội... được ngụy trang bằng những chương trình thử nghiệm các loại thuốc chữa bệnh tâm lý. Đỉnh điểm của sự điên rồ là chiến dịch “Lên đỉnh lúc nửa đêm” tại San Francisco.
Theo tờ San Francisco Chronicle, CIA cho thiết lập nhiều tụ điểm bí mật khắp thành phố rồi cho người tỏa khắp quán bar, nhà thổ và bãi biển để tuyển dụng gái bán hoa tham gia. Nhiệm vụ của những cô gái này là dụ dỗ khách đến các tụ điểm của MKUltra, cho họ nốc LSD và rượu rồi đắm mình vào những cuộc thác loạn điên cuồng trong khi đặc vụ CIA bí mật quan sát và ghi hình.
“Phòng thí nghiệm liên tục tạo ra các loại thuốc mới, ngày càng đáng sợ hơn và chúng tôi cứ thế gửi hết đến San Francisco”, một cựu nhân viên dự án MKUltra kể lại.
Đến năm 1973, do không nhận thấy kết quả cụ thể nào về tác dụng của LSD với việc thao túng tâm trí người trong khi nguy cơ bị Nhà Trắng và quốc hội phát hiện ngày càng tăng, giới lãnh đạo CIA quyết định chấm dứt dự án. Giám đốc Richard Helms ra lệnh tiêu hủy toàn bộ hồ sơ về MKUltra, nhưng dự án này vẫn bị tờ The New York Times phanh phui vào năm 1974, dẫn đến một cuộc điều tra sâu rộng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xác định cụ thể số nạn nhân bị biến thành vật thí nghiệm của chương trình.
Sidney Gottlieb chưa bao giờ bị xét xử về những việc làm của mình. Ông về hưu năm 1972 và qua đời năm 1999 ở tuổi 81.
Vào giai đoạn 1958 - 1959, khi còn là sinh viên Đại học Stanford,
nhà văn Ken Kesey (1935 - 2001) làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Menlo
Park Veterans' Hospital ở California. Tại đây, ông cùng một số bệnh
nhân tham gia vào một chương trình thử nghiệm “thuốc chống trầm cảm” mà
mãi đến sau này ông mới biết đó là một phần của dự án MKUltra.
“Các cuộc
thử nghiệm không phải nhằm giúp người ta hết điên mà là để tạo ra những
kẻ điên”, website Listverse dẫn lời Kesey nói vài năm trước khi qua
đời.
Chính những trải nghiệm với LSD là một trong những nguồn cảm hứng
khiến Kesey viết nên tuyệt tác One Flew Over the Cuckoo's Nest (Bay qua
tổ chim cúc cu) năm 1962, được chuyển thể thành bộ phim kinh điển cùng
tên năm 1975.
|
Bình luận (0)