Với quân đội hơn 1 triệu người, kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ấn tượng, và năng lực hạt nhân ngày càng trở nên đáng gờm, ông Kim Jong-un rõ ràng thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy quyền lực, có thể đối mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, trong lúc chuẩn bị cuộc hội đàm thượng đỉnh theo dự kiến với Tổng thống Trump, giới phân tích lẫn truyền thông phương Tây vẫn chưa rõ liệu ông Kim có sở hữu phương tiện không thể thiếu được đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên trường quốc tế hiện nay: một chuyên cơ đáng tin cậy có thể đưa ông vượt qua Thái Bình Dương hoặc đến châu Âu mà không cần phải quá cảnh.
“Chúng tôi thường đùa với nhau (về những loại máy bay) mà họ đang sở hữu – toàn là đồ cổ (do Liên Xô chế tạo)”, tờ The Washington Post dẫn lời tiến sĩ Sue Mi Terry, nhà phân tích kỳ cựu về các vấn đề Triều Tiên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống George W. Bush.
|
Đa số các đồn đoán về địa điểm tổ chức hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều tập trung vào khu vực phi quân sự trên giới tuyến liên Triều, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào cuối tháng này. Những người khác lại cho rằng Trung Quốc hoặc Nga thì hợp lý hơn, nhưng một số nhà phân tích chỉ ra Tổng thống Trump muốn gặp tại Mỹ hoặc một nước nào khác ở Đông Nam Á, châu Âu.
Thế là ai nấy đều vắt óc suy nghĩ nếu chọn tổ chức tại Đông Nam Á hay châu Âu, ông Kim sẽ dùng phương tiện nào để đi đến nơi hội đàm.
“Về mặt di chuyển, thật ra đây không phải là vấn đề gì lớn, người Hàn Quốc hoặc Thụy Điển sẵn sàng đưa ông ấy đến nơi, nhưng như vậy thì không hay lắm”, theo giáo sư Victor Cha, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Trước đây ông từng đảm nhiệm vai trò giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Bush.
Nếu dùng phi cơ của Triều Tiên, việc phải ngừng lại một nơi nào đó để tiếp dầu trước khi đến chỗ hội đàm là điều không thể chấp nhận được, vì như thế chẳng khác nào Bình Nhưỡng thừa nhận máy bay của họ không hiện đại. Thậm chí địa điểm bổ sung nhiên liệu cũng là một vấn đề, nhất là khi nhiều nước đang tuân thủ lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên.
Khác với cha mình là Kim Jong-il, ông Kim Jong-un không gặp vấn đề gì với máy bay. Ngay sau khi lãnh đạo Triều Tiên, ông đã cho khai trương một số đường băng riêng gần dinh thự của mình dành cho các máy bay cá nhân một động cơ.
|
Nhiều hình ảnh do đài KCNA công bố trong thời gian qua cho thấy nhiều khả năng ông Kim Jong-un có thể lái được máy bay. Vào tháng 12.2014, đoạn clip quay cảnh nhà lãnh đạo đằng sau tay lái của chiếc An-148 do Ukraine sản xuất thuộc sở hữu của hãng hàng không quốc gia Air Koryo.
Chưa đầy hai tháng sau, ông Kim lại xuất hiện trên một máy bay khác trong lúc thanh sát một công trình xây dựng, khiến giới truyền thông phương Tây loan tin về sự tồn tại của “chuyên cơ” của nhà lãnh đạo. Dựa trên các hình ảnh, đây là chiếc Ilyushin Il-62 được sản xuất từ thời Liên Xô. Loại máy bay này cũng không tệ, và từng được dùng để chuyên chở lãnh đạo các nước Nga và Ukraine.
Thông tin ông Kim có chuyên cơ riêng xuất hiện hồi tháng 5.2014, khi Bình Nhưỡng công bố các bức ảnh cho thấy ông cùng phu nhân Ri Sol-ju bước ra khỏi chiếc máy bay.
Tuy nhiên, dòng máy bay Il-62 lại không thể bay vượt đại dương. Air Koryo cũng đang vận hành 2 máy bay Tu-154 của Nga, với tầm bay cũng chỉ đạt khoảng 5.000 km. Để so sánh, chiếc Air Force One của tổng thống Mỹ có thể bay liên tục 12.800 km không cần tiếp liệu.
Vì vậy, hiện Triều Tiên "không có máy bay có thể vượt qua Thái Bình Dương”, một theo Joseph S. Bermudez, cây bút thường viết bài trên trang 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên. Và như vậy, câu hỏi Lãnh đạo Kim sẽ dùng máy bay nào trong các chuyến công du dài vẫn chưa có lời đáp.
Bình luận (0)