|
"Lạ mắt"
Đồng tiền cực kỳ quý giá này thuộc bộ sưu tập đồ trang sức Chăm cổ mà linh mục Nguyễn Trường Thăng đã kỳ công theo đuổi trong suốt 14 năm quản xứ Trà Kiệu. Trong số những “hiện kim” gìn giữ được, ông quý nhất đồng tiền mang những dòng chữ Ả Rập. Đồng dinar bằng vàng này được vị cha xứ tìm thấy thông qua những người đào vàng, cùng nhiều hiện vật bằng vàng nằm lẫn lộn trong các hiện vật gốm, gạch Chăm… mà người dân phát lộ hồi thập niên 1980 ở Duy Xuyên, trong khuôn viên kinh thành Sư tử.
Tự nhận là không có chuyên môn, vả lại trên đồng tiền in những mẫu ký tự “lạ mắt”, nên linh mục Thăng cẩn thận cất giữ đồng tiền và… chờ thời. “Do không tìm gặp được chuyên viên, nên tôi không hiểu gì về xuất xứ và ý nghĩa của những hàng chữ ghi trên đó. Đến năm 1993, tôi mới gặp anh Southworth, một nghiên cứu sinh người Anh. Anh ta quan tâm đến những đồ sưu tầm mà tôi đã để lại tại Trà Kiệu”, vị linh mục kể. Qua trao đổi, vị giáo sư (GS) của anh Southworth rất muốn được “nhìn qua những món đồ quý giá”, đúng vào ngày linh mục Thăng phải rời Đà Nẵng lên đường đi tu nghiệp Thần học ở Pháp. Cuộc gặp ngắn ngủi diễn ra và vị khách lạ ấy không ai khác chính là GS Ian Glover của Đại học Khảo cổ London. Vị GS danh tiếng, từng là thầy dạy của hoàng tử Thái Lan, cũng khiêm tốn bảo mình không chuyên về môn này và hứa sẽ nhờ các chuyên viên của Bảo tàng Anh quốc, Khoa Tiền tệ Trung Đông giúp đỡ. Thầy trò họ sao chụp hình ảnh đồng tiền đem về nước, cho biết sẽ sớm "giải mã".
|
|
Đường đi bí ẩn của đồng tiền
|
Khi nhận được kết quả, với những kiến thức về văn hóa Champa, linh mục Thăng cố tìm cách lý giải tại sao đồng tiền tại một xứ sở ở vùng vịnh Ba Tư lại có thể lưu lạc đến Vương quốc Chăm? Phải chăng ngay từ thế kỷ thứ 10, chậm nhất là vào thế kỷ 11, người Hồi giáo đã trực tiếp buôn bán tại thành Sư tử? Vị linh mục đặt nghi vấn, vào các thế kỷ 12 - 13 và sau đó, người Chăm đã rời bỏ kinh thành Sư tử để vào Vijaya thiết lập kinh đô Đồ Bàn nên chắc chắn việc giao thương khó tiếp diễn. “Với lại chỉ một đồng tiền thì chưa đủ chứng cứ để nói về nền ngoại thương của Champa”, linh mục nhận định.
Từ quan sát đồng tiền có đục một lỗ nhỏ để đeo hoặc thường thấy gắn vào khăn đội đầu của phụ nữ Ả Rập, linh mục Nguyễn Trường Thăng suy đoán đồng tiền trên được sử dụng như món đồ trang sức hơn là trong giao lưu thương mại. “Các lái buôn hoặc thủy thủ Chăm khi đi buôn bán ở Malaysia, Indonesia… đã mua hoặc được tặng những đồng tiền vàng này. Họ đem về tặng lại vợ con để làm đồ trang sức”, cha Thăng phân tích.
Dẫn bài viết của vị linh mục lên website của Bảo tàng Nhân học, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định đồng tiền này có mặt ở lưu vực sông Thu Bồn vào thế kỷ 9 - 10 có lẽ chủ yếu bằng con đường giao thương buôn bán đông tây. “Hiện nay ở một số địa điểm ở miền Trung VN đã tìm thấy những dấu tích liên quan đến tuyến hải thương quốc tế thế kỷ 9 - 10 như: gốm Islam, thủy tinh (trang sức và đồ dùng) Islam…”, PGS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết.
Bình luận (0)