Câu chuyện một nhà báo
Theo kênh truyền hình Russia Today ngày 3.9, Mikhail Voitenko – chủ bút tờ báo điện tử về hàng hải Nga Sovfracht, chuyên theo dõi những vụ việc bất thường trên biển trong nhiều thập niên – đã phải rời khỏi Moscow hôm 2.9 sau khi nhận được một cuộc điện thoại cảnh báo tối trước đó. Ông Voitenko là người đầu tiên đưa tin về sự mất tích đầy bí ẩn của tàu Arctic Sea hồi tháng trước. Sau đó, chính nhà báo này đã cập nhật thông tin thường xuyên về số phận con tàu Nga và cũng là một trong những người đầu tiên cho rằng vụ cướp biển tấn công Arctic Sea có liên quan tới lô hàng bất hợp pháp trên tàu. “Một số người có thế lực đứng đằng sau sự kiện con tàu Arctic Sea muốn trả thù. Những người này đã gọi cho tôi, nói rằng họ không thể ngừng tiến trình (mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Voitenko) và khuyên tôi rời khỏi Nga trong vòng 3 hoặc 4 tháng”, hãng tin Interfax dẫn lời Voitenko. Theo trang tin Infox.ru, ông Voitenko còn cho hay lời gợi ý trên là nhằm ngăn chặn vụ bê bối liên quan tới Arctic Sea tiến triển xa hơn.
Báo chí phương Tây cũng dẫn lời Voitenko cho biết ông này phải sang Thổ Nhĩ Kỳ để lánh nạn sau khi nhận được cuộc gọi cảnh cáo ông sẽ bị bắt giữ nếu không sớm rời Moscow. Russia Today cũng cho hay, sau khi lời cảnh báo được đưa ra, ông Voitenko đã bay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trang web Sovfracht khẳng định ông Voitenko đang có mặt tại Istanbul. “Tôi muốn thông báo cho những ai quan tâm rằng tôi hiện đang ở Istanbul và sẽ cập nhật nhiều thông tin thú vị ở đây”, một thông báo của Voitenko đăng trên trang web này hôm 3.9 cho biết. Thông báo không xác nhận cũng như phủ nhận các thông tin về việc Voitenko đã phải chạy trốn khỏi nước Nga. Tuy nhiên, vào cuối ngày 3.9, Sovfracht đã ra một thông cáo nói rằng ông Voitenko đang đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ và các tin đồn về việc ông Voitenko phải sống lưu vong ở nước ngoài là do sai sót về mặt truyền đạt thông tin. Chính vì thế, cho đến nay, thông tin về việc ông Voitenko có thật sự rời nước Nga để bảo toàn tính mạng của mình hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Mossad ra tay?
Sự kiện ông Voitenko ra nước ngoài được đưa tin rộng rãi là một diễn biến mới nhất liên quan tới câu chuyện kỳ lạ về tàu Arctic Sea, vốn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế hồi đầu tháng trước khi nó được cho là biến mất ở Đại Tây Dương. Khi đó, báo chí đưa tin rằng tàu này chở gỗ (được cho là trị giá khoảng 1,8 triệu USD) từ Phần Lan sang Algeria thì bị mất liên lạc vô tuyến khi đang ở ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha. Sau đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phải ra lệnh cho hải quân và các lực lượng quân sự khác đi tìm kiếm. Đến khoảng trung tuần tháng 8, các tàu chiến Nga đã tìm thấy Arctic Sea trên vùng Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển châu Phi và bắt giữ 8 nghi can hải tặc.
Một loạt giả thuyết về sự mất tích đầy bí ẩn của con tàu Nga đã được đưa ra, trong đó có giả thuyết cho rằng con tàu có thể đã bị Cơ quan tình báo Mossad của Israel chặn lại nhằm ngăn không cho tàu chuyển vũ khí đến Iran hoặc Syria. Để lý giải cho nghi vấn của mình, một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng tại sao bọn cướp biển dám liều mạng bắt giữ tàu tại một trong những tuyến đường vận chuyển sầm uất nhất của châu u chỉ để chiếm một lô hàng không mấy giá trị?
Quan chức cấp cao nhất đưa ra giả thuyết trên là người viết báo cáo về các vụ cướp biển của EU, đồng thời là cựu chỉ huy quân đội Estonia, đô đốc Tarmo Kouts. Trả lời tạp chí Time, ông này nói rằng chỉ có việc vận chuyển tên lửa mới có thể giải thích cho những hành động lạ kỳ của Nga. “Có tên lửa trên tàu Nga và không ai có thể giải thích chuyện này theo hướng khác. Với tư cách là một thủy thủ đầy kinh nghiệm, tôi có thể khẳng định những giải thích của Nga (vốn cho rằng tàu chỉ bị cướp biển tấn công) là không đúng sự thật”. Theo ông Kouts, giả thuyết Israel chặn tàu Arctic Sea là thích hợp nhất.
Một số nhà phân tích Nga trước đó cũng đưa ra giả thuyết như vậy ngay sau khi tàu Arctic Sea được giải cứu. Yulya Latynina, một chuyên gia bình luận chính trị nổi tiếng và là chủ chương trình phát thanh Tiếng vọng Moscow, nhận định: “Khả năng lớn nhất là Israel đã chặn được chuyến hàng của Nga đang được chở đến Syria hoặc Iran. Và Israel hiện đang sử dụng vụ việc này làm con bài mặc cả với Nga về việc mua bán vũ khí trong khu vực trong khi vẫn cho Moscow giữ thể diện bằng cách đưa con tàu trống rỗng về nước”. Theo Time, Đại sứ Nga tại NATO Dmitri Rogozin đã bác bỏ phán đoán trên trong khi cả Văn phòng Thủ tướng Israel lẫn Cơ quan Mossad cũng đều từ chối bình luận về nhận định của Latynina.
Về phía Nga, trưởng nhóm điều tra Alexander Bastrykin tiết lộ trên báo Rossiyskaya Gazeta rằng một nhóm cướp biển mới có thể đã câu kết với thủy thủ đoàn để tạo ra vụ mất tích tàu Arctic Sea. Nhưng ông này thừa nhận rằng có những câu hỏi cần phải giải đáp xung quanh sự việc. Ông nói: “Chúng tôi không loại trừ khả năng con tàu có thể mang thứ hàng hóa khác ngoài gỗ”. Phát biểu trên Time, Đại sứ Nga Rogozin cũng đồng tình với tuyên bố của các nhà điều tra. Ông cho rằng: “Hàng hóa (trên tàu) cần được kiểm tra xem liệu nó có là hàng phi pháp hay không”. Nhà điều tra Bastrykin thì khẳng định một cuộc tìm kiếm toàn diện sẽ được tiến hành trên tàu Arctic Sea khi nó cập cảng Novorossiisk của Nga trong vài tuần tới. Thế nhưng, giới quan sát không mấy trông mong rằng sẽ có thêm tiết lộ được đưa ra.
Châu Yên
Bình luận (0)