Leonid Khrushchev, sinh ngày 10.11.1917, gia nhập Hồng quân trong Chiến tranh Liên Xô - Phần Lan (1939-1940) và tiếp tục tham gia chiến đấu trong Thế chiến 2. Vào tháng 3.1943, anh đã không trở về sau một trận không chiến khi đang mang hàm thượng úy phi công. Về mặt chính thức, người con trai của lãnh đạo Khrushchev được coi là đã hy sinh. Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây vẫn còn có nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của Leonid Khrushchev…, theo trang Russian7.ru.
|
Hi sinh?
Phiên bản chính thức về cái chết của Leonid Khrushchev được thể hiện trong hồ sơ cá nhân của anh. Tháng 11.1941, anh được đề cử trao Huân chương Cờ Đỏ; từ ngày 19.12.1942 là chỉ huy phi đội tại Trung đoàn tiêm kích số 18; ngày 1.3.1943, chiếc YaK-7B của anh bị bắn rơi gần thành phố Zhizdra thuộc vùng Kaluga, phía tây nước Nga.
Trong báo cáo, một chỉ huy trung đoàn 18 đã viết: “Hai máy bay của chúng tôi do thượng úy Zamorin và thượng úy Khrushchev điều khiển đã bị hai chiếc Focke-Wulf 190 của quân Đức tấn công ở độ cao khoảng 2.500 m. Một máy bay Đức bắn vào máy bay của Khrushchev nhưng lại bị Zamorin tấn công bằng súng máy. Rơi vào thế bất lợi, phi công Đức bèn bỏ Khrushchev, bay về phía nam. Zamorin đuổi theo nhưng không kịp và khi trở về chỗ cũ thì không tìm thấy Khrushchev. Đằng xa có một tốp máy bay của quân ta và Zamorin nghĩ rằng Khrushchev đã nhập vào nhóm đó”.
Tuy nhiên, Khrushchev đã không có mặt trong nhóm đó. Việc tìm kiếm thi thể phi công hoặc những mảnh xác máy bay g không mang lại bất kỳ kết quả nào. Gia đình anh nhận được bức thư chia buồn từ không quân, trong đó viết rằng Leonid Khrushchev đã “hy sinh anh dũng trong một trận không chiến”.
Tuy nhiên, việc không ai nhìn thấy máy bay rơi và cũng không tìm thấy thi thể phi công hay các mảnh xác máy bay đã trở thành chủ đề của nhiều đồn đoán. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô đã có hàng ngàn phi công tiêm kích không trở về. Máy bay thời đó thường có chất lượng kém vì được lắp ráp trong điều kiện khó khăn nên phi công phải tập trung cao độ và không có thời gian để ý đến những gì xảy ra xung quanh. Theo báo cáo của Zamorin, có thể máy bay của Khrushchev đã rơi vào trạng thái xoay tròn theo trục dọc. Tuy nhiên, về lý thuyết, phi công có thể nhanh chóng lấy lại trạng thái bình thường, ngoài ra anh ta còn có cơ hội sử dụng dù. Việc Khrushchev cùng chiếc máy bay “biến mất” được cho là điều vô cùng khó hiểu.
Bị xử vì tội giết người?
Theo Russian7.ru, năm 1941, Leonid Khrushchev bị thương trong một trận không chiến. Dù bị trúng đạn nhưng anh đã cố lái được máy bay bay về đến khu vực do Hồng quân kiểm soát và hạ cách an toàn xuống một sân bay dã chiến. Với chiến tích này, anh đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương quân công. Theo lời đồn, trong lần tới Moscow để nhận huân chương, tại một bữa tiệc, anh đã bắn chết một sĩ quan đồng đội khi say rượu. Theo một phiên bản khác, vụ giết người xảy ra ở Kuibyshev, nơi Leonid Khrushchev được điều trị tại quân y viện, và nạn nhân là một diễn viên xiếc.
Sau đó, đã nảy sinh nhiều phiên bản về hậu quả của vụ việc. Về lý thuyết, dù có ngộ sát do sau rượu nhưng quân nhân phạm tội giết người sẽ bị tòa án binh xử ở khung cao nhất. Tuy nhiên, một số nguồn tin dẫn lại lời kể của lãnh tụ Iosif Stalin nói ông Nikita Khrushchev đã “phủ phục dưới chân” nhà lãnh đạo tối cao để xin tha tội cho con mình. Về cách xử lý của Stalin cũng có đến 2 phiên bản. Thiếu tướng KGB Dokuchaev viết trong hồi ký: “Leonid, con trai của Nikita Khrushchev phạm tội giết người và có nguy cơ phải đền mạng. Nikita Khrushchev đến gặp Stalin, khóc lóc van xin, rằng con trai có tội rõ rồi, trừng phạt thế nào cũng được, nhưng xin đừng xử bắn. Stalin nói: chuyện đã đến thế này, tôi không thể nào làm gì được”. Nhưng theo một phiên bản khác thì Stalin hủy án tử, yêu cầu cấp tốc điều động Leonid ra mặt trận để lập công chuộc tội.
Bị bắn vì tội phản quốc?
Trong một giả thuyết khác, người ta tin rằng Leonid Khrushchev đã có thể cho máy bay hạ cánh nhưng rồi bị bắt làm tù binh. Sau đó, câu chuyện được thêu dệt để rồi trở nên ly kỳ như phim điệp báo: Leonid đầu hàng quân Đức và Stalin đã ra lệnh bằng mọi giá bắt kẻ phản bội từ hậu phương quân Đức để đưa về trị tội. Nhiệm vụ này đã được giao phó cho điệp viên nổi tiếng Pavel Sudoplatov (1907-1996). Cũng theo phiên bản này, có nhiều bằng chứng cho thấy Leonid Khrushchev đã phản bội tổ quốc và bị tòa án của Chi khu quân sự Moscow kết án tử hình. Tuy nhiên, không có tài liệu khả tín nào hỗ trợ cho giả thiết này. Bản thân Sudoplatov cũng khẳng định ông không tham gia hoạt động “bắt cóc” Leonid Khrushchev nếu từng có một chiến dịch như thế.
|
Theo một phiên bản khác, khi bị bắt làm tù binh, Leonid Khrushchev đã hợp tác với người Đức nhưng sau đó bị mang trao đổi với một tù binh Quốc xã. Về đến Liên Xô, người này bị xử kín và nhanh chóng xử bắn bí mật để không ảnh hưởng đến Nikita Khrushchev, một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô lúc đó, chỉ sau Stalin.
Sau khi trở thành Tổng bí thư năm 1953, Nikita Khrushchev phát động cuộc đấu tranh toàn diện chống lại tệ sùng bái cá nhân đối với Stalin và không ít người nghĩ rằng chuyện này xuất phát từ động cơ trả thù cá nhân vì Stalin từng kiên quyết không tha chết cho Leonid. Nhưng đó cũng chỉ là luận suy, đồn đoán…
Bình luận (0)