Bí ẩn thể thao Triều Tiên: Lạ lùng Jong Tae-se

11/08/2011 00:40 GMT+7

Jong Tae-se có lẽ là trường hợp hy hữu nhất trong lịch sử thể thao Triều Tiên, khi chân sút này sinh ra ở Nhật Bản, cha mẹ đang sống ở Hàn Quốc, nhưng anh lại khoác áo CHDCND Triều Tiên.

Jong Tae-se có lẽ là trường hợp hy hữu nhất trong lịch sử thể thao Triều Tiên, khi chân sút này sinh ra ở Nhật Bản, cha mẹ đang sống ở Hàn Quốc, nhưng anh lại khoác áo CHDCND Triều Tiên.

Trước năm 2007, Jong Tae-se vẫn chưa một lần đặt chân lên CHDCND Triều Tiên, nơi vốn là quê hương của gia đình anh. Từ nhỏ, Jong Tae-se đã học tại Nhật Bản và sớm phát lộ tài năng bóng đá. Đất nước CHDCND Triều Tiên trong tâm thức Jong Tae-se lúc ấy chỉ là một quốc gia khép mình với thế giới. Vì thế, khi trở thành một cầu thủ nổi tiếng ở giải VĐQG Nhật Bản trong màu áo của CLB Kawasaki Frontale, với lối sống có phần xa hoa, ít ai nghĩ có một ngày Jong Tae-se quay về đứng trong hàng ngũ của tuyển CHDCND Triều Tiên.

Đó là một ngày tình cờ của năm 2005, Jong Tae-se chứng kiến thất bại của tuyển CHDCND Triều Tiên trên sân Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2006 và vì thế không đủ điều kiện để góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới tại Đức. Khoảnh khắc ấy đã khuấy động những xúc cảm về quê hương trong sâu thẳm Jong Tae-se và anh bày tỏ mong muốn được thi đấu cho Triều Tiên. Sau một số khó khăn tưởng không thể vượt qua trong việc nhập tịch, cuối cùng Jong Tae-se cũng trở thành thành viên của tuyển Triều Tiên vào năm 2007. Thời điểm ấy, tuyển Nhật Bản cũng nhiều lần có ý định nhắm đến Jong Tae-se bởi họ đang rất cần một tiền đạo có sức càn lướt, tốc độ và khả năng xoay xở ghi bàn, nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực.

 
Jong Tae-se trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Reuters

“Rooney của nhân dân”

Sự có mặt của Jong Tae-se góp phần thổi luồng sinh khí mới trong hành trình giúp tuyển CHDCND Triều Tiên lần thứ 2 trong lịch sử tham dự một kỳ World Cup sau 44 năm chờ đợi. Trước phong độ chói sáng của Jong Tae-se, người hâm mộ từng đặt cho anh biệt danh “Rooney của châu Á”, còn người dân CHDCND Triều Tiên gọi anh là “Rooney của nhân dân”. Nhưng cũng kể từ đó, dù được xem là niềm hy vọng lớn nhất của Triều Tiên ở World Cup 2010, nhưng Jong Tae-se lại là “cái gai” trong mắt giới chức nước này. Anh bỗng chốc trở thành một trường hợp chưa từng có ở tuyển, bởi Jong Tae-se không ngại ngùng trả lời phỏng vấn và bày tỏ quan điểm trước báo giới. Trong quá khứ, ngoài việc thường xuyên chỉ trích đồng đội vì chơi thiếu nỗ lực trong một số trận đấu, Jong Tae-se còn từng phản pháo giới chức CHDCND Triều Tiên trên phương tiện truyền thông về vụ cáo buộc Hàn Quốc cung cấp thực phẩm có độc tố trước trận đấu vòng loại World Cup 2010 ở Seoul và hình phạt dành cho đội tuyển sau khi trở về từ Nam Phi... Bên cạnh đó, Jong Tae-se còn bày tỏ niềm mơ ước của mình về một ngày cả hai miền Nam - Bắc của bán đảo Triều Tiên có một đội tuyển thống nhất để tham dự World Cup. 

 
Giọt nước mắt Jong Tae-se ở World Cup 2010 - Ảnh: Reuters

Những giọt nước mắt bị lên án

Tại World Cup 2010, dù không thi đấu ấn tượng trên sân, nhưng Jong Tae-se đã để lại một khoảnh khắc hết sức xúc động khi anh bật khóc lúc bài quốc ca CHDCND Triều Tiên vang lên trước trận gặp Brazil. Hình ảnh ấy khiến khán giả vô cùng cảm động trước tình yêu quê hương của Jong Tae-se. Thế nhưng sau đó, một nguồn tin bên trong nội bộ tuyển CHDCND Triều Tiên lại lên án những giọt nước mắt của Jong Tae-se. Họ cho rằng tuyển thủ phải mạnh mẽ, can trường và không được rơi lệ khi sắp chiến đấu để làm vinh danh đất nước.

Mới đây khi sang VN tham dự trận đấu giao hữu giữa đội bóng Park Ji-sung và những người bạn với CLB Navibank Sài Gòn trên sân Thống Nhất, Jong Tae-se nói thẳng: “Tôi không biết người ta nghĩ thế nào về giọt nước mắt ở World Cup của tôi, nhưng đó là sự chân thành. Quê hương với tôi luôn thiêng liêng. Tôi rất buồn bởi một số cầu thủ CHDCND Triều Tiên đủ sức ra nước ngoài thi đấu như tôi nhưng họ không có nhiều cơ hội. Nếu có nhiều cầu thủ Triều Tiên ra nước ngoài thi đấu, chúng tôi sẽ có đội tuyển mạnh hơn. Đồng đội tôi không thể nói và bàn những chuyện ấy. Nhưng tôi thì khác, tôi có thể nói những gì mình suy nghĩ. Tôi không sợ bất cứ điều gì. Nhưng tôi hiểu rằng tiếng nói của mình có giá trị đối với người dân và đất nước CHDCND Triều Tiên. Những gì tôi nói luôn mang ý nghĩa động viên và chia sẻ”.

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.