Trước đó, từ hơn 2 tháng nay, ông Mai Xuân Dũng ở xã Ia Blang, H.Chư Sê đã tiến hành thu gom rễ và gốc tiêu với giá 60.000 đồng/kg rễ và 20.000 đồng/kg gốc tiêu. Chư Sê là vùng chuyên canh hồ tiêu lớn nhất tỉnh Gia Lai. Tổng cộng, ông Dũng đã thu mua được 450 kg rễ, gốc tiêu rồi bán cho ông Lê Thành Thiết (ngụ đường Phan Đình Phùng, TP.Pleiku, Gia Lai) với giá hơn 17,3 triệu đồng.
Gần đây, gia đình ông Dũng tiếp tục thu mua, thu gom gốc, rễ tiêu ở các vườn cây già cỗi do người dân phá bỏ. Tổng số lượng hơn 2 tấn rễ, gốc tiêu mà ông Dũng thu gom vẫn đang được giữ tại nhà ông này để chờ người đến lấy.
|
Công an H.Chư Sê cho biết, hiện vẫn chưa khẳng định được ngọn nguồn của việc thu gom gốc, rễ tiêu nhưng sự việc kỳ lạ này đã khiến nhiều người trồng tiêu lo lắng. Anh Nguyễn Hoàng Quân ở H.Chư Sê nói: “Chúng tôi giờ không dám chắc vườn tiêu của mình an toàn. Vì nếu giá thu mua cao hơn, có khi bọn xấu lại lẻn vào vườn tiêu đào trộm như nạn hái trộm cà phê đã từng xảy ra, nên nhiều nhà đã phải cắt cử người canh tiêu”. Trước tình hình đó, Công an H.Chư Sê đã yêu cầu ông Dũng tạm ngừng việc thu gom, mua bán rễ tiêu để không làm phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo nhiều nguồn tin, có khả năng số rễ, gốc tiêu này sẽ được chở ra biên giới phía bắc rồi xuất sang Trung Quốc nhưng với mục đích gì thì vẫn là một bí ẩn. Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê lo lắng rằng có thể số rễ, gốc tiêu này được nghiền, trộn với bột tiêu thật để làm tiêu dỏm rồi chảy ngược về thị trường Việt Nam.
Trần Hiếu
Bình luận (0)