Ngày làm việc thứ ba của phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX, đại diện Viện KSND tối cao và các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị hại về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phúc thẩm đại án Huỳnh Thị Huyền Như Cảnh tại tòa hôm qua - Ảnh: Lê Nga |
Được chủ tọa phiên tòa gọi lên hỏi về yêu cầu kháng cáo, đại diện Công ty chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS), Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc đều đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm buộc VietinBank bồi thường (án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Như phải bồi thường) số tiền của các đơn vị này để trong tài khoản của họ ở VietinBank bị Như chiếm đoạt. Cụ thể, với SBBS là 210 tỉ đồng, Toàn Cầu 125 tỉ đồng, An Lộc hơn 170 tỉ đồng và Phương Đông là 380 tỉ đồng và lãi phát sinh.
Tiền bị chiếm đoạt khi nằm trong tài khoản
Khi biết các đơn vị này có nguồn tiền muốn gửi ngân hàng, Như tìm cách tiếp cận huy động. Hồ sơ mở tài khoản được VietinBank và Như thừa nhận về hình thức đều hợp lệ, đúng pháp luật, tài khoản do VietinBank cấp, tiền của các pháp nhân chuyển khoản vào tài khoản thanh toán của công ty mở tại VietinBank.
|
SBBS trình bày đã chuyển 225 tỉ đồng vào tài khoản của mình tại VietinBank, đến ngày 31.8.2011 SBBS làm lệnh chi rút 15 tỉ đồng ra khỏi tài khoản tiền gửi thanh toán và được VietinBank chấp thuận. Còn lại 210 tỉ đồng Huyền Như làm giả lệnh chi chuyển tiền khỏi tài khoản của SBBS. Công ty An Lộc cũng cho biết họ đã chuyển 570 tỉ đồng vào tài khoản và đã được VietinBank duyệt các lệnh chi rút ra 400 tỉ đồng, chứng tỏ tài khoản này là thật và hoạt động bình thường. Cả Như và VietinBank đều nhìn nhận số tiền bị Như chiếm đoạt khi đang nằm trong tài khoản của khách hàng tại VietinBank. Công ty Toàn Cầu còn cung cấp bằng chứng xác nhận của VietinBank TP.HCM “báo có” về số tiền 125 tỉ đồng và có văn bản xác nhận trách nhiệm của VietinBank với số tiền 125 tỉ đồng này.
Để huy động được tiền của SBBS, Như khai đã chi 30 tỉ đồng cho Vũ Minh Hải (môi giới) và Vũ Thị Mỹ Linh (kế toán trưởng SBBS); chi cho Lê Huyền Trân (môi giới) và Lê Thị Trúc Giang (kế toán trưởng Công ty Toàn Cầu) 6,7 tỉ đồng; chi cho Lê Thị Thanh Phương (Giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng Tiên Phong) 5,9 tỉ đồng để huy động tiền của An Lộc, Phương Đông. Tất cả số tiền huy động của các đơn vị này đều được Như thỏa thuận chi trả lãi suất vượt trần (14%/ năm + chênh lệch lãi suất).
“Bị cáo rút ra bằng cách nào ?”
Chủ tọa hỏi: “Nguồn tiền của SBBS đang nằm trong tài khoản ở VietinBank TP.HCM khi bị cáo chiếm đoạt?”. Như đáp: “Dạ đúng”. “Bị cáo rút ra bằng cách nào?”, chủ tọa hỏi tiếp. Như thưa: “Bị cáo làm giả lệnh chi, giả chữ ký chủ tài khoản, giả con dấu đưa cho giao dịch viên Phạm Thị Tuyết Anh ký đối chiếu rồi bị cáo ký với vai trò kiểm soát viên chuyển tiền đi”. Như khai thêm: “Tuyết Anh không biết bị cáo làm giả lệnh chi”.
Tuy nhiên, quá trình xét hỏi sau đó của HĐXX cho thấy số tiền này được chuyển khoản vào tài khoản của bà Vũ Thị Thơm (mẹ chồng của Tuyết Anh, không có ủy quyền của SBBS). Sau đó, chính bà Thơm đã trực tiếp đến nhận số tiền này chuyển cho Như. Lý giải về việc này, Tuyết Anh khai: “Chị Như đề nghị cho mượn tài khoản của mẹ chồng tôi để giúp khách hàng”.
Trong khi đó, Bảo hiểm Toàn Cầu khai, bị cáo Như sử dụng “quyền trưởng phòng giao dịch” thực hiện lệnh chi trên máy theo thẩm quyền để chuyển tiền ra khỏi tài khoản của họ ở VietinBank TP.HCM mà không hề có lệnh của khách hàng. “Cho đến nay vẫn không có chứng từ bổ sung”, vị này nói.
Tương tự, chứng khoán Phương Đông cũng bị Như thao tác chuyển tiền trên hệ thống máy tính của VietinBank với lệnh thấp nhất 30 tỉ, cao nhất 50 tỉ đồng. Sau đó, để đối phó với đoàn kiểm tra, Như nhờ Vũ Hồng Hạnh (Tổng giám đốc Phương Đông) ký 7 lệnh chi khống nói là chuyển tiền từ tài khoản không kỳ hạn sang tài khoản có kỳ hạn như thỏa thuận của hai bên. Thực chất, Như sử dụng lệnh chi này chuyển tiền đi trả nợ.
Đại diện Viện KSND tối cao truy: “Các lệnh chuyển tiền này đều nằm trong phạm vi thẩm quyền hạn mức chi tiền của bị cáo?”. Như đáp: “Dạ”.
“Ông vừa mới khai, sao giờ lại phải né ?”
VietinBank cho rằng trách nhiệm gửi giữ chỉ phát sinh đối với tài khoản tiết kiệm. Còn tài khoản thanh toán (không kỳ hạn) do chủ tài khoản chịu trách nhiệm. Khi có biến động trên tài khoản, chủ tài khoản không thông báo cho VietinBank.
Để làm rõ vấn đề này, đại diện Viện KSND tối cao hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước. Vị này khẳng định giao dịch Internet Banking là thỏa thuận dân sự giữa khách hàng và ngân hàng để thông báo biến động trên tài khoản cho khách hàng qua SMS. Nếu khách hàng tin tưởng ngân hàng thì không cần sử dụng dịch vụ này. Khách hàng không có nghĩa vụ thông báo biến động trái phép trên tài khoản của mình cho ngân hàng.
Hỏi về quá trình thanh kiểm tra hoạt động của VietinBank, đại diện ngân hàng này xác nhận có thực hiện tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ và việc kiểm tra rất nhiều đoàn chứ không phải một lần. Tuy nhiên, do việc kiểm tra theo kiểu chọn mẫu ngẫu nhiên nên không thể phát hiện.
Đại diện Viện KSND tối cao đưa ra một lệnh chi tiền do Như làm giả, yêu cầu vị này đối chiếu bằng mắt chữ ký của chủ tài khoản và chữ ký Như giả. “Nếu chọn đúng mẫu chuyển tiền này kiểm tra, tôi tin chắc sẽ phát hiện chứng từ giả”, vị này nói.
Vị chủ tọa hỏi thêm: “Tức là người bình thường cũng phát hiện ra vì hai chữ ký khác nhau 100%?”. Lúc này, đại diện VietinBank ấm ớ rồi thay đổi lời khai. Chủ tọa vặn: “Ông vừa mới khai rõ ràng như thế, sao giờ lại phải né?”.
Bình luận (0)