Bi hài khám sức khỏe xin việc: Lãng phí!

30/03/2010 16:32 GMT+7

Trong khi pháp luật hiện hành đã quy định rõ việc kiểm tra sức khỏe và bố trí công việc phù hợp là của bên sử dụng lao động, thì lâu nay người lao động vẫn cứ tốn tiền và mất công sức vô ích cho các trung tâm y tế...

“Chẳng hề có giá trị gì”

Nguyễn V.H. (ở Đại Lộc, Quảng Nam) tốt nghiệp trường Trung cấp Điện Hội An, Quảng Nam và xin việc ở một doanh nghiệp nước ngoài tại KCN Đà Nẵng. Trước khi nộp đơn, H. cũng tuân thủ theo ba-rem từ trước đến nay khi xin việc, đó là phải có đầy đủ giấy tờ từ sơ yếu lý lịch, bằng cấp đến giấy chứng nhận sức khỏe (GCNSK). Cũng tốn 25.000 đồng, H. đi khám sức khỏe tại một trung tâm y tế ở Đà Nẵng, và dĩ nhiên trong GCNSK của H. mọi thứ đều “bt”.

Qua những vòng phỏng vấn gián tiếp, trực tiếp, H. được tuyển dụng. Nhưng lúc này, việc đầu tiên của công ty là cho toàn bộ nhân viên mới tuyển đi khám sức khỏe tổng quát, toàn bộ chi phí do công ty chịu (mỗi người từ 250-300 ngàn đồng - PV). Kết quả, H. bị huyết áp cao, không thể đáp ứng được công việc. Từ chỗ đáng lẽ được tuyển dụng, H. lại “trắng tay” vì lý do sức khỏe. Tiếp tục hành trình tìm việc, H. lại phải đến khám sức khỏe ở một trung tâm y tế quận khác, lại nộp đơn xin việc. Lần này, H. được nhận vào một doanh nghiệp nhà nước, cũng với công việc tương tự như ở công ty trên, nhưng do không phải khám sức khỏe lại nên H. “giấu nhẹm” việc mình mắc bệnh cao huyết áp để bảo toàn công việc vừa xin được.

Tương tự, Lê Thanh Tân (ở Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng đã lọt qua các vòng phỏng vấn, hồ sơ được duyệt, nhưng đến khi trình diện giám đốc thì lại không đạt. Nguyên nhân là trong khi khám sức khỏe, Tân khai với bác sĩ mình cao 1m7 cho đạt với yêu cầu của phía công ty tuyển dụng đưa ra. Dĩ nhiên với việc khám sức khỏe sơ sài và theo kiểu "khai gì ghi nấy" của các trung tâm y tế, Tân được “chuẩn y” giấy trắng mực đen trong GCNSK là cao 1m7, dù thực tế anh chỉ cao 1m67. Qua diện kiến, giám đốc phát hiện anh khai gian chiều cao, cho rằng ban đầu đã có sự kém trung thực, nên không đồng ý tiếp nhận Tân. Tân thực sự bị sốc, bởi theo anh: “Mình nghĩ quan trọng là năng lực làm việc và chiều cao là thứ yếu, nhưng không ngờ giám đốc lại nâng quan điểm biến mình thành người gian dối, đau không chịu được. Giá như việc khám sức khỏe được tiến hành chuẩn xác hơn, cứ ghi rõ mình cao chừng nào thì thà mình bị loại ngay từ vòng đầu, đỡ phải cực nhọc đeo đuổi tốn công sức. Rõ ràng, GCNSK chẳng hề có giá trị gì!”.

“Tôi hiểu rõ GCNSK hiện nay được tổ chức sơ sài như thế nào, thậm chí không cần đến bệnh viện vẫn có thể lấy được với giá vài chục ngàn, nên không việc gì phải căn cứ vào đó để tuyển dụng lao động!” Ông Lê Viên Mãn, Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng điện VNECO

Cũng có không ít trường hợp người lao động trong những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thực phẩm, kinh doanh nhà hàng... mắc phải các chứng bệnh về hô hấp, da liễu..., nhưng giấy khám sức khỏe vẫn rất vô tư chứng nhận “bt”.

Thói quen và “luật bất thành văn”

Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực giới thiệu việc làm, ông Trần Đình Liên - Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Đà Nẵng, cho biết có rất nhiều lao động không phải nộp hồ sơ xin việc một lần là được nhận việc, mà phải nộp rất nhiều hồ sơ. Mỗi bộ hồ sơ đều kèm một GCNSK. Có lao động có kinh nghiệm, khám một lần xin nhiều GCNSK để... dùng dần vì giấy có hiệu lực trong vòng 6 tháng, nhưng cũng có rất nhiều người không biết nên mỗi đợt nộp đơn cứ phải đi khám sức khỏe lại. Đối với người lao động chưa có việc làm, nhất là những lao động xuất thân từ các vùng quê nghèo thì phí khám sức khỏe này là số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, ông Liên nhận định: người lao động hiện còn khá chủ quan với vấn đề sức khỏe, trong khi doanh nghiệp nước ngoài rất xem trọng vấn đề này. Họ thường tổ chức khám sức khỏe lại cho những nhân viên được tuyển dụng, và trong trường hợp này, GCNSK theo mẫu được các bệnh viện, trung tâm y tế chứng nhận không hề có hiệu lực.

Trên thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp VN, giấy GCNSK chỉ là một bước thủ tục không quan trọng khi tuyển dụng. Chính các doanh nghiệp cũng thừa biết rằng những kết quả ghi trong GCNSK chỉ là hình thức, và việc khám sức khỏe cũng chỉ được tiến hành qua loa, nên không thể căn cứ vào đó để bố trí việc làm. Ông Lê Viên Mãn, Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng điện VNECO (Đà Nẵng) - nơi có khoảng 300 lao động đang làm việc - khẳng định ông chưa bao giờ căn cứ vào GCNSK để tuyển lao động. Với ông, những lao động được tuyển vào công ty, ngoài lý lịch, văn bằng chứng chỉ cùng một đơn xin việc viết tay, thì không cần thêm giấy tờ nào nữa. “Tôi hiểu rõ GCNSK hiện nay được tổ chức sơ sài như thế nào, thậm chí không cần đến bệnh viện vẫn có thể lấy được với giá vài chục ngàn, nên không việc gì phải căn cứ vào đó để tuyển dụng lao động!”, ông Mãn nói.

Có một điều mà hầu như ít người lao động nào tìm hiểu, đó là theo quy định trong Bộ Luật lao động, người lao động không cần phải tự khám sức khỏe khi đi xin việc, bởi chi phí này người sử dụng lao động phải chịu. Chính thói quen, tập quán xã hội đã biến việc khám sức khỏe trước khi xin việc trở thành một “luật” bất thành văn đối với người lao động và cả người sử dụng lao động. Điều này đã gây nên sự lãng phí rất lớn, mà chính các trung tâm y tế, bệnh viện thực hiện dịch vụ khám sức khỏe lại là nơi hưởng lợi.

Chỉ cần làm một phép tính nhẩm rất đơn giản, một doanh nghiệp có khoảng 1.000 công nhân, mỗi công nhân tiêu tốn 25.000 đồng/GCNSK, thì số tiền này đã lên đến 25 triệu đồng. Đó là số tiền không hề nhỏ, nhưng lại không thu được hiệu quả xã hội nào. Và chắc chắn, chưa ai đi khám sức khỏe xin việc mà lại phát hiện được bệnh tật trong người cả!

Điều 102 Bộ Luật Lao động quy định: Khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại việc, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp an toàn - vệ sinh lao động và những khả năng tai nạn cần đề phòng trong công việc của từng người lao động.

Người lao động phải được khám sức khỏe khi tuyển dụng và được khám sức khỏe định kỳ theo chế độ quy định. Chi phí khám sức khỏe cho người lao động do người sử dụng lao động chịu.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.