Bi hài nghề lái taxi - Kỳ 5: 'Ngoảnh mặt' với tiền, vàng

28/03/2014 03:00 GMT+7

Không chỉ đối mặt với nguy hiểm hay những tình huống dở khóc dở cười, nhiều tài xế còn vượt qua cám dỗ từ những tài sản lớn mà khách bỏ quên trên xe.

Bi hài nghề lái taxi - Kỳ 5: 'Ngoảnh mặt' với tiền, vàng

Tài xế Phạm Hữu Thanh phụ vợ bán quán cơm - Ảnh: Đình Phú

Tài xế taxi được tặng... taxi

Câu chuyện của tài xế taxi Dương Mạnh Đồng (42 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) từ nhiều năm qua đã trở thành một giai thoại trong mắt đồng nghiệp. Theo lời kể của anh Đồng, thời gian đầu lái taxi Mai Linh (giữa năm 2000), anh thường hoạt động ở khu vực Q.7, Q.4... Trong số khách hàng anh hay chở có nhiều người nước ngoài nhưng anh hầu như không biết tên tuổi cụ thể.

 

Một tuần tuyên dương 40 tài xế

Ngày 4.10.2013, tài xế taxi Vinasun Dương Tuấn Liêm đã trao trả số tiền, vàng ước tính lên đến 151 triệu đồng cho hành khách Neáng Giang vì đã bỏ quên trên xe. Tháng 9.2013, tài xế taxi Mai Linh Phạm Văn Mừng cũng đã trả lại cho khách bỏ quên chiếc điện thoại di động Vertu trị giá 300 triệu đồng... Ông Nguyễn Tuấn Sinh cho biết bình quân mỗi tuần Mai Linh tuyên dương 40 tài xế chủ động trả lại tài sản có giá trị (từ 1 triệu đồng trở lên) cho khách.

Tháng 3.2002, như thường lệ, anh chở một người Mỹ thường xuyên làm việc tại một văn phòng công ty ở Q.7 mang theo nhiều đồ đạc. Khách yêu cầu anh Đồng chở thẳng về nhà ở H.Bình Chánh. Đến nơi, anh Đồng nhắc nhở và phụ giúp khách lấy hết hành lý và quay xe về. Khi dọn vệ sinh xe, anh phát hiện một túi giấy nằm lăn lóc dưới dãy ghế. Mở ra xem, anh lóa cả mắt khi thấy bên trong rất nhiều tiền. Nghi là của vị khách người Mỹ (sau này mới biết tên là Billy Pollard) mà mình vừa chở đi, anh lập tức gọi về tổng đài báo tình hình, xin số điện thoại khách để trả lại.

Ông Nguyễn Tuấn Sinh, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Mai Linh hiện cũng còn rất tường tận về nghĩa cử của anh Đồng. “Khi đó, chúng tôi yêu cầu tài xế mang tài sản của khách về trụ sở, lập biên bản ghi nhận vụ việc và liên hệ mời khách hàng đến nhận lại. Số tiền hành khách bỏ quên có 18.800 USD và 49,4 triệu đồng (tương đương 300 triệu đồng)”, ông Sinh nhớ lại. Theo ông Sinh, chuyện của anh Đồng trở thành giai thoại là vì thời điểm đó, 300 triệu đồng có thể mua được 4 chiếc taxi. Nếu anh Đồng không chủ động trả lại, thì vấn đề cũng rất nan giải. Đáp lại nghĩa cử của nhân viên, khi Mai Linh tổ chức đón nhận huân chương Lao động hạng ba, đã quyết định tặng anh Đồng 1 chiếc taxi (trị giá lúc đó khoảng hơn 70 triệu đồng).

Anh Đồng hiện lái xe cho một gia đình người nước ngoài đang ký hợp đồng dịch vụ đưa đón với Mai Linh. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới liên lạc được “vì lái xe cho khách nước ngoài đâu được phép nghe điện thoại, nhắn tin trong giờ làm việc”. Nhắc lại chuyện cũ, anh nói: “Thật ra cũng không có gì to tát cả. Họ là khách nước ngoài, mình mà này kia thì không hay lắm. Khi ông Billy Pollard đến nhận lại tiền, ổng đã chia sẻ với mọi người, là ổng có thêm một kỷ niệm đẹp khi sống và làm việc ở Việt Nam”.

Không tơ tưởng chuyện “bỏ túi”

Giữa trưa nắng nóng, trong một quán cơm bình dân ở ven đường Nguyễn Văn Nguyễn (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM), tài xế Phạm Hữu Thanh (33 tuổi) của hãng Vinasun mồ hôi nhễ nhại lo phụ giúp vợ bán cơm. Anh bảo hôm nay là ngày xuống ca, ở nhà cùng vợ bán cơm cho giới lao động phổ thông quanh xóm. Anh Thanh quê Bến Tre, đã gắn bó với nghề lái taxi ở TP.HCM khoảng 10 năm nay. “Vì ham vui sớm nên 2 đứa con của tui đã học lớp 7 và lớp 4 rồi. Làm miết mà chưa dư dả gì nên vẫn còn đang ở nhờ nhà vợ”, anh xởi lởi với chúng tôi về chuyện gia đình.

Anh Thanh là một trong những tài xế điển hình có nghĩa cử trả lại tiền khách để quên. Dù không “được chia” đồng nào nhưng anh bảo rằng “rất là sướng”. Lần anh trả lại tiền lớn nhất mà khách bỏ quên trên xe là 10.000 USD. Sự việc xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 16.1.2013, anh chở 2 khách Việt kiều đi từ 127 Pasteur (Q.3, TP.HCM) ra sân bay Tân Sơn Nhất. Trả khách xong, anh chạy ra bên ngoài ăn sáng và chờ xếp tài vào đón khách bên trong sân bay mà không hề biết khách đã để quên chiếc túi xách có 10.000 USD và toàn bộ giấy tờ tùy thân. Nhận tin báo từ tổng đài, anh Thanh kiểm tra xe thì phát hiện chiếc túi rơi dưới ghế ngồi và đã tức tốc cho xe quay về sân bay, trao lại toàn bộ tài sản cho 2 vị khách trước sự chứng kiến của đại diện công ty, an ninh sân bay.

“Hôm đó rất may cho khách và cũng rất may cho mình, bởi nếu khi rời sân bay gặp liền cuốc khách mới, thì túi xách có 10.000 USD rơi ở dãy ghế sau có thể bị mất. Tình ngay lý gian mà, mình có thể bị vạ lây”, anh Thanh kể và bày tỏ: “Nhìn số tiền lớn như vậy ai mà không xao động, bản thân mình cũng khó khăn, nhưng rồi nghĩ cái gì không phải của mình thì mình không nên tìm cách chiếm đoạt. Như vậy thì sẽ vui và cuộc sống mình nhẹ nhàng hơn. Khi mình thối tiền nhầm vài chục ngàn đã thấy xót, huống gì là số tiền cả 10.000 USD”.

Anh chia sẻ thêm: “Bằng một cách nào đó hoặc phải bị trả giá như thế nào đó, mình sẽ có được khoản tiền lớn, nhưng mà chừng đó mình không giàu lên được, mà nếu có thì cũng không giải quyết được những khó khăn hiện tại. Tốt nhất là mình làm theo lương tâm nghề nghiệp, đặt uy tín công ty lên hàng đầu, chứ gian dối thì nhức đầu lắm”.

Theo lời anh Thanh, những anh em đã gắn bó với nghề lái taxi để mưu sinh cho gia đình rồi, thì hầu như không ai tơ tưởng chuyện “bỏ túi” tài sản khách để quên trên xe. “Cũng như anh là nhà báo, ai cũng muốn mọi việc tốt hơn để còn có cơ hội làm việc, nuôi con cái học hành...”, anh Thanh nói.

Đình Phú 

>> Bi hài nghề lái taxi - Kỳ 1: Đối mặt với cướp
>> Bi hài nghề lái taxi - Kỳ 2: Sinh nghề, tử nghiệp
>> Bi hài nghề lái taxi - Kỳ 3: Bị quỵt tiền, gạ tình
>> Bi hài nghề lái taxi - Kỳ 4: Những bà đỡ bất đắc dĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.