Bảo vật quốc gia
Chiếc bình gốm có hình thiên nga một lần nữa lại được mang ra giới thiệu với công chúng tại triển lãm Bí mật đại dương từ những con tàu cổ diễn ra từ ngày 18.1 - 18.5 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội. Là bảo vật quốc gia ngay trong đợt xét tặng đầu tiên, chiếc bình được các nhà nghiên cứu yêu mến không chỉ vì sự độc bản, vẻ đẹp mà còn vì tinh thần Việt của tác phẩm. “Nó có tạo hình khác hẳn những con thiên nga từ châu Âu hoặc Trung Hoa. Cộng với những đồ án cỏ cây hoa lá rất Việt khác trên bình, nó tạo thành tinh thần Việt”, PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, từng chia sẻ về hiện vật này. Đặc biệt, ông còn cho rằng hiện vật tìm thấy trên tàu cổ Cù Lao Chàm này chính là sản phẩm của gốm lò quan (cao cấp) tại Hoàng thành Thăng Long.
tin liên quan
Kiến nghị cho phép doanh nghiệp tham gia khai quật tàu cổ đắmÔng Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày (Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội), cho biết một hiện vật khá nổi bật của triển lãm là bộ hài cốt được xác định của một phụ nữ khoảng 20 tuổi có đặc điểm chủng tộc Thái. Đây là 1 trong 11 bộ hài cốt của những thương nhân và thuyền viên trên tàu Cù Lao Chàm. Đây cũng là con tàu mà theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, có nhiều hiện vật Việt nhất. Bên cạnh gốm lò quan, còn có gốm Chu Đậu.
|
Những hiện vật gốm tại trưng bày hé lộ nhiều câu chuyện về quan điểm mỹ học của người xưa. Chẳng hạn, trên tàu cổ Cà Mau có chiếc ấm men trắng vẽ lam trang trí tích “Trực thượng thanh vân”. Tác phẩm từ thế kỷ 18 của Trung Quốc này vẽ mục đồng cưỡi trâu, tung mũ cỏ lên trời xanh. Hình ảnh này mang ngụ ý “sỹ đồ bình bộ thanh vân” (con đường làm quan một bước lên mây). Nó nhấn mạnh quan điểm mơ ước làm quan. Chiếc bình tỳ bà, gốm men trắng vẽ lam từ thế kỷ 15 tìm thấy trên tàu Cù Lao Chàm lại cho thấy dáng vóc của một mẫu thiết kế nổi bật của gốm Chu Đậu…
Con đường tơ lụa, con đường gốm sứ
PGS-TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, cho biết đằng sau hiện vật, những câu chuyện thông thương cũng được tái hiện. “Từ bộ hài cốt được cho của người Thái, người ta cho rằng thuyền buôn này là thuyền buôn xuyên lục địa. Có nghĩa là người nước ngoài đến VN "ăn" hàng rồi bán đi nơi khác chứ không phải chỉ người Việt mang đi. Nó là con đường gốm sứ trên biển. Nó cho thấy thế kỷ 15, thương mại phát triển mạnh như thế”, ông Hiền nói.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, cho rằng chúng ta đã có một bước phát triển mạnh về gốm hồi thế kỷ 15, đi kèm vơi giao thương. Khi đó, với chính sách bế quan của Minh Thành Tổ, nghề gốm Trung Hoa không có điều kiện phát triển. Đúng lúc ấy, gốm Việt, đặc biệt là dòng gốm men trắng vẽ lam phát triển cực thịnh đã lấn lướt hàng Trung Hoa đương thời. “Chính sự chặt chẽ trong kiểm định và chuyên biệt trong sản xuất, đã tạo cho gốm Việt, đặc biệt là gốm hoa lam, chiếm lĩnh được thị trường và cạnh tranh với gốm sứ Trung Hoa. Cho đến ngày nay, trên bản đồ gốm sứ thương mại thế giới, chúng ta có thể thấy gốm VN có mặt ở một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, thế giới Hồi giáo và đến tận phương Tây”, ông Quân đánh giá.
|
Đặc biệt, việc thông thương còn kích thích sản xuất, tạo những dòng gốm mới. Chẳng hạn, thời kỳ đó, chúng ta có gốm men đa sắc có phủ vàng kim. Cũng theo ông Quân, một chuyên gia gốm VN từng nhận xét bộ sưu tập gốm phủ vàng ở tàu Cù Lao Chàm là nổi trội và không giống với bất cứ những gì thấy được trong truyền thống gốm Trung Quốc.
Bản thân các hiện vật tìm được trên tàu cũng hé lộ những cung đường trên biển. Chẳng hạn, theo ban tổ chức, gốm trên tàu cổ Bình Thuận rất giống với tàu Witte Leew, khiến các nhà nghiên cứu cho rằng những chuyến hàng gốm sứ Trung Quốc này không chỉ chuyên chở bán sang Đông Nam Á mà còn xuất khẩu phục vụ cho Công ty Đông Ấn (Hà Lan). Tàu cổ Hòn Cau lại có gốm mang hình vẽ theo mẫu hoa in nổi trên vải của Hà Lan, thế kỷ 17. Nó cũng cho thấy việc đặt hàng sản xuất gốm của phương Tây. Tàu cổ Hòn Dầm với rất nhiều hiện vật Thái Lan cho thấy đồ gốm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn trong hàng hóa thương mại của Thái Lan đương thời.
|
Mặc dù vậy, cũng có một điều khiến các nhà nghiên cứu chưa thấy thỏa lòng. Theo PGS-TS Vũ Quốc Hiền, chúng ta hiện mới chỉ có thể mang hiện vật từ tàu đắm lên mà chưa thể mang cả con tàu khỏi lòng đại dương dù chúng còn nguyên. “Vấn đề đó liên quan đến kinh phí. Mang lên để ở đâu. Mang lên mà không có kinh phí thì còn khó nhiều lần. Tại kinh phí bảo quản tàu còn lớn bằng mấy tiền khai quật. Trong các cuộc khai quật tàu đắm, kinh phí khai quật thì một phần thôi, còn kinh phí bảo quản phục dựng con tàu mới là lớn. Cái hậu khai quật khó nhất là thế. Tàu bảo quản gỗ còn nguyên thì xử lý vừa tốn tiền vừa tốn thời gian”, ông Hiền nói.
Bình luận (0)