Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và qua đời năm 1820, thọ 57 tuổi. Trong tập Ngự dược nhật ký của châu bản triều Nguyễn, cho thấy những năm cuối đời nhà vua đã mắc bệnh nan y và các ngự y đã phải vất vả để điều trị.
>> Bí mật ngự y triều Nguyễn: Khám chữa bệnh cho vua
Chân dung vua Gia Long trên một tạp chí tiếng Pháp
|
Theo Nguyễn Phước Tộc giản yếu, vua Gia Long, tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, thường gọi là Nguyễn Ánh, sinh ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (tức 8.3.1762). Ông là con trai thứ ba của Nguyễn Phúc Luân.
Ngày 1.2.1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long. Tháng 3.1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã thiết lập lại cơ cấu điều hành quốc gia, cho soạn bộ luật Gia Long, thành lập Quốc Tử Giám Huế, ấn định học hiệu và các loại thuế. Công cuộc cai trị đất nước được thuận lợi sau khi thực hiện các việc lớn như: Tổ chức triều đình gồm có lục bộ và Đô sát viện; phân chia khu vực hành chính (tổng trấn, trấn, phủ, huyện, xã); ấn định quyền hạn chức chương, lương bổng, văn võ giai các cấp, tu soạn sách sử, văn truyện, địa lý, lập dinh Điền sứ trông coi việc khai khẩn ruộng đất…
Sau 18 năm trị vì, ngày Đinh Mùi tháng 12 năm, Kỷ Mão, Gia Long mất, thọ 57 tuổi dương (58 tuổi âm lịch), miếu hiệu là Thế tổ Cao Hoàng đế. Lăng vua Gia Long, hiệu là Thiên Thọ, tại làng Định Môn (nay thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Vua Gia Long có 31 người con, gồm 13 con trai và 18 con gái.
Vua mắc bệnh gì ?
Trong Ngự dược nhật ký của châu bản triều Nguyễn có ghi chép việc Thái y viện chẩn trị cho vua Gia Long (từ ngày 15 tháng giêng năm Gia Long thứ 12 đến năm thứ 18), cho thấy việc khám bệnh và dâng thuốc diễn ra ngày một.
Lương y Phan Tấn Tô giới thiệu tư liệu châu bản liên quan đến Thái y viện triều Nguyễn - Ảnh: B.N.L
|
Đặc biệt, năm Gia Long thứ 18, tức năm cuối cùng của nhà vua, các tờ châu bản đã mô tả ngự mạch của vua như sau: “Chúng thần kính cẩn ấn lên 3 bộ mạch trái, thấy trầm tế bình đẳng, duy chỉ mạch tả xích, đề nặng thiếu lực, 3 bộ mạch phải cũng trầm tế, duy mạch hữu quan, đè nặng chưa bình hòa. Chú trọng mạch thận (tả xích) mạch tì (hữu quan), tì thận hư là nguyên nhân của bệnh”. Tờ châu bản ngày 4.10 năm Gia Long thứ 18, do Thái y viện khải tâu: “Chúng thần ngu tối, tưởng rằng mạch trầm tế là do thấp hàn làm nê tì, thận chưa an, chúng thần hội lại kính xin được sắc dâng lên thang gia giảm Vị khai tiên, để bổ tì thận, từ từ giảm bệnh, đợi ngày đông chí thì thuyên giảm được”.
Và trong tất cả các bài ngự phương dâng lên vua thời điểm này đều có điểm chung là bổ tì thận, như: gia giảm Vị quan tiên (dùng trong tháng 10 năm Gia Long 18); gia giảm Thất vị thang, gia giảm Thọ tì tiễn (dùng cuối tháng 10 đến tháng 11 năm Gia Long 18).
Theo lương y Phan Tấn Tô, thường khi lập phương là căn cứ vào triệu chứng, nguyên nhân của bệnh, mỗi ngày một thang, dùng trong vài ngày. Nhưng ở đây, thuốc có khi thay đổi hằng ngày và trong một ngày dùng đến 2 - 3 thang, sáng chiều khác nhau. Ngoài ra, các châu bản còn cho thấy nhà vua còn dùng cả thuốc của những thầy lang bên ngoài.
Cụ thể, tờ châu bản ngày 30 tháng 11 năm Gia Long thứ 18, ghi: Trực lệ dinh Quảng Đức, cai bạ Trần Vân Đại, khám và dâng thuốc. Hay như tờ châu bản ngày 2 tháng 2 năm Gia Long thứ 18, ghi: “Nguyễn Văn Thành, ở xã Quan Chiêm, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, dâng thuốc Hồng thăng đơn cho vua dùng”. Trong tờ châu bản ông này không ký mà điểm chỉ (lăn dấu tay) có lẽ không biết chữ (?). Từ những điểm trên có thể thấy các quan ngự y thời điểm này đã tỏ ra lúng túng, chỉ chạy theo triệu chứng mà không chú trọng trị gốc bệnh, đó là điều bất thường.
Cho đến khi mất, mặc dù các châu bản không ghi nhà vua bị bệnh gì, nhưng qua mô tả ngự mạch và ngự phương cho thấy các ngự y đã điều trị chứng “tì - thận dương hư” với các ngự phương chữa tì vị dư hàn và chữa thận dương hư.
Theo lương y Phan Tấn Tô, tì thận dương hư là bệnh ở gan, thận và lá lách, có liên quan đến tì vị với các triệu chứng tay chân lạnh, có thể mắc bệnh tiểu đường, suy thận… Còn lương y Lê Hưng, trong bài Bệnh trạng cuối đời của vua Gia Long (đăng trên trang Hội Laser y học Bình Dương) cho rằng quá trình chữa bệnh cho vua từ việc dùng những loại thuốc bôi để chữa ghẻ ngứa, đến việc lập phương chữa chứng tì thận dương hư cho thấy nhà vua bị nhiễm khuẩn lâu năm không chữa khỏi đã dẫn đến bệnh xơ gan cổ trướng.
Bình luận (0)