‘Bí quyết’ dược liệu của người Dao

31/08/2017 15:55 GMT+7

Đến Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai) những ngày này, khách phương xa có thể say hương khi đứng trước những cánh đồng dược liệu thơm nồng bát ngát.

Ngưng tay làm cỏ cho những luống đương quy đang lên xanh tốt, anh Mã Seo Vần (ở xã Lùng Phình, H.Bắc Hà) cho chúng tôi hay, thu nhập của gia đình anh từ trồng dược liệu đương quy, actiso cao hơn khoảng 3 - 4 lần so với trồng ngô trên cùng diện tích. Anh Vần khoe: “Diện tích trồng Đương quy giờ đã được 5.000 m2. Cây hợp đất nên không phải chăm bón hóa học gì. Cây và giống được cán bộ khuyến nông của huyện và Công ty Traphaco cung cấp, hướng dẫn. Tôi còn trồng actiso từ nhiều năm rồi, trồng đúng hướng dẫn nên được công ty mua hết, thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm”.
Chị Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Bắc Hà, cho biết xã Lùng Phình ở độ cao 1.300 m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ, rất phù hợp cho cây actiso và đương quy phát triển. Các dược liệu này được Traphaco đánh giá có hoạt chất làm thuốc rất cao. “Ngay tại ruộng này, khách từ nơi xa đến có khi cảm thấy như say mùi hương của đương quy, do tinh dầu từ cây này tỏa ra”, chị Huê nói vui.
Ông Lê Thế Hùng, công tác tại Trạm khuyến nông H.Bắc Hà, có thâm niên 12 năm hỗ trợ bà con phát triển vùng dược liệu, cho biết: “Thay vì lên núi khai thác dược liệu, bà con người Dao, người Mông ở Sa Pa, Bắc Hà giờ đây đã gieo trồng, chăm sóc dược liệu hoàn toàn theo kỹ thuật chuẩn quốc tế GACP - WHO, cung cấp cho Công ty Traphaco. Một số hộ còn bỏ tiền, bỏ công làm đường dẫn nước tưới cây; dành công sức chăm sóc để có những “kho” dược liệu ngay trên lưng núi”.
Dược liệu đạt chuẩn GACP - WHO
Theo ông Tạ Công Huy, Chủ tịch UBND H.Bắc Hà, nhờ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng nên dược liệu trồng phát triển tốt. Giống cây do Công ty Traphaco cấp và bà con làm theo hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ. Phía công ty đánh giá chất lượng sản phẩm. Huyện tham gia tổ chức thu mua dược liệu tập trung cho bà con để đỡ chi phí vận chuyển. “Từ khi phát triển trồng dược liệu, đời sống và việc làm ổn định, người dân đã ít phải đi xa làm thuê”, ông Tạ Công Huy cho biết.
Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND H.Sa Pa cho hay, từ năm 2009, Traphaco bắt đầu phát triển cây actiso ở Sa Pa với phương thức kết hợp 4 nhà: Nhà nước (chính quyền huyện); các nhà khoa học (thuộc các trung tâm nghiên cứu phát triển dược liệu); nhà doanh nghiệp (Traphaco) và nhà nông ở Sa Pa (chủ yếu là người dân tốc thiểu số). Từ 15 ha ban đầu với 30 hộ tham gia, diện tích trồng actiso hiện đã lên khoảng 65 ha với 120 hộ trồng; thu nhập trung bình mỗi hộ khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, actiso (thành phần của thuốc bổ gan Boganic) cũng như các dược liệu mà công ty này phát triển vùng trồng tại Sa Pa, Bắc Hà có hàm lượng hoạt chất làm thuốc rất cao. Bà con người Dao, người Mông đã quen và thực hiện tốt quy trình gieo trồng, chăm bón dược liệu theo chuẩn của GACP - WHO (là hướng dẫn thực hành trồng và thu hoạch tốt, chế biến tốt cây dược liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành và khuyến cáo ứng dụng). “Các dược liệu trồng tại đây được chúng tôi kiểm tra thường xuyên, xác định chất lượng ổn định. Nhờ đó, Traphaco luôn có nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc đạt chất lượng cao”, ông Văn đánh giá.
Traphaco là doanh nghiệp đứng hàng đầu về sản xuất các thuốc từ dược liệu (theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường IMS Health (Mỹ) quý 4.2016), với 3 sản phẩm đứng hàng đầu nhóm tác dụng: Boganic (trong các thuốc về gan mật); Hoạt huyết dưỡng não (trong các thuốc về thần kinh) và Tottri (trong các thuốc điều trị bệnh trĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.