Năm 1999, ông Chuyền xin khai hoang và thuê 3 ha đất ở chân núi Bà để trồng điều. Ban đầu, do chưa nắm vững về kỹ thuật nên cây điều phát triển kém, số cây sống không nhiều. Ông Chuyền bèn tham khảo sách báo, nghe đài hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây điều và tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân, trạm khuyến nông huyện tổ chức. Sau khi nắm vững được kỹ thuật, ông tiếp tục trồng dặm và sau 3 năm, cây điều cho trái bói, đến năm thứ 5 thì thu hoạch rộ cho đến hôm nay.
Ông Chuyền kể do trồng điều trên triền dốc núi nên việc tưới nước không hề dễ dàng. “Tui phải ngăn suối trên cao, làm đường ống dẫn nước tưới để cây điều đủ nước sinh trưởng quanh năm. Để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho cây phát triển, nhất là giai đoạn điều chuẩn bị ra hoa, tui bón phân NPK kết hợp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tuy năng suất chưa cao so với cây điều trồng trên đất đồng bằng và giống điều cấy mô, nhưng trước đây mỗi năm tui thu được 4 tấn, thì năm nay thu hơn 5 tấn, bán 33.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng. Cây điều mang lại nguồn thu nhập khá ổn định”, ông Chuyền chia sẻ.
Ngoài 3 ha điều, ông Chuyền còn trồng 3 sào hoa màu và chăn nuôi bò, mua bán nông sản. Trên đất hoa màu, ông Chuyền luân canh mè và đậu phụng 3 vụ/năm, áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa nên năng suất cây trồng tăng khá, trong đó cây đậu phụng ở vụ đông - xuân đạt tới 400 kg/sào. Nhờ vậy, ông có thu nhập hơn 70 triệu đồng/sào/năm từ cây đậu phụng. Hiện trong thôn có đến 80% số hộ học theo cách tưới nước phun mưa như của gia đình ông Chuyền, nhờ đó nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập, đời sống khá dần lên.
Ông Ngô Đình Tài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cát Hải, nhận xét: “Ông Tài rất được bà con trong thôn tín nhiệm vì trong mọi công việc, ông rất năng nổ, nhiệt tình, được bình chọn là cựu chiến binh sản xuất giỏi. Ông cũng đi tiên phong trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng và hướng dẫn cho bà con làm theo. Nhờ đó, đời sống bà con đủ đầy hơn, an ninh trật tự địa phương được bảo đảm”.
Bình luận (0)