Bí thư Hải Phòng bày Sở TN-MT chiêu 'soi' doanh nghiệp xả thải 'trộm'

18/08/2016 08:00 GMT+7

Ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hải Phòng khóa 15 “nóng” chuyện ô nhiễm môi trường.

Theo nhiều đại biểu, vấn đề xả thải “trộm” trên địa bàn thành phố đang ở mức nghiêm trọng.
Theo đó, Hải Phòng có 50 cơ sở phát sinh lưu lượng khí thải lớn và vừa, 550 cơ sở nhỏ và vừa ngoài cụm công nghiệp chưa được kiểm soát. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề ở Minh Đức, Quán Toan…chưa được kiểm soát chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Những tồn tại này được ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thừa nhận là do: trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường chưa cao; công tác thanh, kiểm tra lạc hậu. Bên cạnh đó, Sở còn thụ động trong kiểm soát chất thải và ô nhiễm; chậm trong cấp phép xả thải, hậu kiểm về môi trường còn yếu kém.
Đại biểu Lưu Xuân Cải, tổ đại biểu huyện An Dương, còn chỉ ra rằng: trên địa bàn thành phố, có nhiều DN xả thải “trộm” vào ban đêm, hoặc xả nhằm khi không có đoàn thanh tra đến, gây bức xúc trong dân.
Trả lời chất vấn này, ông Ka cho biết đã tiến hành phạt tiền đến 400 triệu đồng một nhà máy giấy vi phạm và sẽ sớm đóng cửa nhà máy này trong năm 2016.
Đại biểu Lưu Xuân Cải: Nhiều DN đã xả thải “trộm” ra môi trường.

Đo số điện, lắp camera và thanh tra… ban đêm để “soi” DN xả thải
Bí thư thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND Hải Phòng Lê Văn Thành tỏ ra sốt ruột: “Phải đề ra được giải pháp căn cơ để giám sát hoạt động xả thải của các DN 24/24 và chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Rút kinh nghiệm vụ xả thải chất độc xuống biển của Formosa (Hà Tĩnh), chỉ đến khi cá chết trắng cả 4 tỉnh, lúc đó mới lập đoàn thanh tra thì đã muộn”.
Cũng theo ông Thành, những cuộc thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, DN đều được thông báo trước nên khi đoàn công tác đến kiểm tra, DN thường “diễn” rất nghiêm túc, nhưng khi đoàn về, DN lại tắt hết hệ thống vận hành xử lý chất thải.
“Các vị nếu có thời gian thì 4-5 giờ sáng đi kiểm tra khu vực dân cư xung quanh khu công nghiệp Đồ Sơn thử xem. Thời điểm đó, không khí ở đây có mùi rất khét, nhưng đến khoảng 8 giờ sáng, không khí lại trong lành như chưa có gì xảy ra”, ông Thành nói.
Từ đó, ông Thành ra “đề bài” luôn cho Giám đốc Sở TN-MT: “Vậy anh Ka có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu để có thể giám sát được 24/24 việc xả khí thải và chất thải của DN được không? Làm sao để không cần phải đi lại kiểm tra quá nhiều mà ta vẫn biết được nhất cử nhất động việc xả thải của DN không chỉ trong một ngày, mà thậm chí còn có thể kiểm tra lại cả quãng thời gian hàng tháng trước đó? Có như vậy, người dân mới cảm thấy yên tâm.”
Thấy vị Giám đốc Sở TN-MT tỏ ra lúng túng, Bí thư Thành quay xuống phía dưới hội trường và đề nghị các đại biểu “hiến kế” giúp Sở TN-MT.
Sau một hồi không thấy có ý kiến khả thi, ông Thành chỉ đạo: “Đề nghị các vị tính đến phương án lắp camera để giám sát 24/24 việc xả khí thải. Ngành điện giám sát lượng điện năng tiêu thụ trung bình trong một ngày của mỗi nhà máy khi chạy hệ thống lọc bụi tĩnh điện và xử lý nước thải. Nếu ngày nào có lượng điện tiêu thụ ít hơn hẳn, thì phải gửi thông báo cho các cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra đột xuất, vì như thế, rất có khả năng là do họ đã tắt hệ thống xử lý khí và nước thải.”
Tiếp thu chỉ đạo này, ông Phạm Quốc Ka cho biết: sắp tới Sở TN-MT sẽ cho triển khai sớm phương án lắp camera giám sát xả thải, trình thành phố phương án lập mạng lưới trạm quan trắc tự động 24/24, kết hợp tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất, kể cả vào ban đêm để xử lý dứt điểm tình trạng xả thải “trộm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.