Bước qua căng thẳng như thế nào, khi đi thi sẽ được ai hỗ trợ, nên có chế độ dinh dưỡng trong mùa thi ra sao?... là những vấn đề được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình truyền hình trực tuyến Tiếp sức mùa thi với chủ đề “Đồng hành cùng thí sinh” do Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chiều 19.5.
Hỗ trợ cả thi và xét tuyển
Anh Phạm Kiều Hưng, Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên VN, chia sẻ: “Với phương thức thi mới của năm nay, rõ ràng áp lực về di chuyển, tâm lý căng thẳng của thí sinh (TS), phụ huynh giảm đi rất nhiều. Nắm bắt được điều này, tổ chức Đoàn, cụ thể là Hội Sinh viên VN có những thay đổi trong cách tổ chức các hoạt động tiếp sức mùa thi. Theo đó, năm nay các hoạt động chia rõ thành 2 giai đoạn: trước kỳ thi THPT quốc gia sẽ hỗ trợ TS trực tiếp tại các điểm thi, tuyên truyền, hỗ trợ học tập ôn luyện. Giai đoạn TS đi xét tuyển, đội hình tiếp sức sẽ tập trung tại chính các trường ĐH, CĐ”.
Chương trình sẽ quan tâm hơn tới TS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trong việc di chuyển, tham gia các buổi thi được tốt nhất.
|
Một trong những vấn đề mà TS và phụ huynh quan tâm nhất vẫn là làm thế nào để giảm bớt áp lực, tạo được tâm lý thoải mái để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Hằng năm cứ đến mùa thi là phụ huynh còn căng thẳng hơn TS. Thường phụ huynh quá thương con nên mong muốn con có kết quả tốt, tuy nhiên nên thể hiện tình thương để con thấy có động lực chứ không phải áp lực”.
Vì thế, tiến sĩ Hiếu cho rằng cha mẹ nên tạo tâm lý thoải mái, tạo sự ấm áp, tươi vui, quan tâm bằng chăm lo cho bữa ăn vật chất lẫn tinh thần của con.
Về phía TS, tiến sĩ Hiếu lưu ý: “Không được phép lơ là việc ôn tập, không nên mải mê lên mạng xã hội hoặc xem phim. Tuy nhiên, TS cũng không nên học hành nhiều quá đến quên cả việc thư giãn. Hãy nhớ câu: Học khôn ngoan sẽ không gian nan, biết cách học sẽ không cực nhọc. TS nên xem kỳ thi này là một thử thách và hãy biết biến áp lực thành động lực, hãy học một cách thông minh, khoa học”.
Trước câu hỏi của TS về việc làm thế nào để vượt qua nỗi buồn và lo lắng khi môn đầu tiên làm bài không tốt, hoặc làm thế nào để đối mặt với những câu hỏi của ba mẹ sau khi thi tất cả các 3 môn đều tệ, tiến sĩ Hiếu bày: “Cách tốt nhất để vượt qua nỗi buồn này là hãy đi xuyên qua nó. Hãy dành 30 phút để nghĩ về nó, tự hỏi vì sao mình lại làm kém, từ đó rút kinh nghiệm để làm các môn tiếp theo tốt hơn”.
tin liên quan
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinhVào lúc 14 giờ 30 ngày 19.5, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Đồng hành cùng thí sinh' nhằm giúp thí sinh vững vàng tâm lý, đảm bảo sức khỏe để tham gia kỳ thi.
Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc
TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Sức khỏe rất quan trọng với các em trong mùa thi, nhưng hầu như học sinh chỉ quan tâm chủ yếu làm sao nhớ bài để đạt thành tích tốt nhất, vì thế các em chỉ lo học mà quên đi những tác động của việc ăn, ngủ. Ở nhà, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn thức ăn để các em ăn uống bổ dưỡng. Không phải thức ăn quá đặc biệt mà cần quen thuộc, đầy đủ chất dinh dưỡng, đạm cung cấp a xít amin, các em gái tránh thiếu sắt... Ăn đầy đủ bữa chính và bữa phụ, hoặc buổi tối có trái cây, chất ăn phụ. Không sử dụng chất kích thích. Các em cũng phải sắp xếp thời gian cân đối học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi. Nhiều em mải học mà rơi vào tình trạng thiếu ngủ, quên ngủ vì sợ không học được bài. Nhiều em bình thường chơi thể thao nhưng lúc này lại bỏ luôn. Cuộc thi là cuộc đua đường dài, không chỉ 1, 2 ngày là được, nên các em cần chú ý để trí não hoạt động được tốt nhất”.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Ý kiến
Chương trình Tiếp sức mùa thi được đánh giá là hoạt động tình nguyện có ý nghĩa hết sức sâu sắc, được sự quan tâm và đánh giá cao của xã hội, sự tham gia tích cực của sinh viên và các trường ĐH, CĐ cũng như có sức lan tỏa ra nhiều lực lượng khác trong xã hội. Chúng tôi thấy rằng qua nhiều năm thực hiện chương trình, sự chăm lo của các lực lượng tình nguyện đã giúp TS và người nhà TS có sự an tâm cao để dự thi, góp phần lớn vào sự thành công của các kỳ thi.
Cùng với sự thiết kế về phương thức thi của ngành giáo dục thì chương trình năm nay cũng có sự thay đổi tương thích. Theo đó, tất cả các tỉnh thành hỗ trợ trực tiếp TS. Đặc biệt là chương trình sẽ tham gia hỗ trợ hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông, thông tin về phương án di chuyển và các trợ giúp khác cho TS có hoàn cảnh khó khăn.
Lê Quốc Phong
(Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN)
Những năm qua, chương trình Tiếp sức mùa thi đã có tác động rất mạnh đến việc thực hiện kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Với sự phối hợp của các bên, chương trình đã huy động được lực lượng thanh niên đáng kể tham gia hỗ trợ TS vùng sâu, vùng xa, TS có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình năm nay sẽ quan tâm tới đối tượng TS tự do. Với quy chế năm nay, các TS này chỉ tập trung dự thi ở các thành phố lớn, vì thế sẽ có những TS ở xa đến thành phố lớn dự thi nên sự hỗ trợ của chương trình rất cần thiết. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những khó khăn nhất định ở một số huyện mà điều kiện đi lại, ăn ở còn khó khăn. Việc hỗ trợ của chương trình cho TS và người nhà là hết sức cần thiết.
Bùi Văn Ga
(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Trong 16 năm qua, chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì chương trình Tiếp sức mùa thi là chỗ dựa vững chắc giúp TS tự tin trong mỗi mùa thi. Một điểm lớn tạo nên sự thành công của chương trình này là sự chung tay của toàn xã hội, từ bác xe ôm dành thời gian chở miễn phí TS đi thi đến các bà nội trợ chuẩn bị nhà cửa đón TS về ở. Sự chung tay này đã giúp cho sự thành công của chương trình những năm qua.
Năm nay, về chiều rộng, chúng tôi tổ chức các đội sinh viên tình nguyện khắp 63 tỉnh thành hỗ trợ TS. Về chiều sâu, chúng tôi sẽ lập danh sách TS có hoàn cảnh khó khăn, TS khuyết tật để cử tình nguyện viên hỗ trợ trực tiếp.
Nguyễn Đình Tâm
(Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long) Hà Ánh (ghi)
|
Chuẩn bị tốt để khỏi thất nghiệp
Chia sẻ về cách lựa chọn ngành nghề sao cho có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết: “Thị trường lao động thì phải có việc làm và có thất nghiệp, đó là chuyện tất yếu. Tuy nhiên nếu không chuẩn bị tốt thì chúng ta sẽ rơi vào thất nghiệp. Điều quan trọng nhất là phải xác định được sở thích và năng lực của mình và nhận thức rõ được nghề nghiệp đó yêu cầu những gì. Hiện nay có đến 75% sinh viên không hiểu được ngành mình đang theo học, 20% hiểu mù mờ, chỉ 5% hiểu rõ. Nhiều em không đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ và kỹ năng để bước vào thị trường lao động trong nước và trong khu vực”.
Theo ông Tuấn, trong thị trường lao động hiện nay có đến 300 ngành nghề. Học một ngành có thể làm nhiều nghề, nhưng để làm tốt một nghề cần kết hợp nhiều kiến thức và kỹ năng của các lĩnh vực.
|
Bình luận (0)