Thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực nói chung và tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng là một trong những mối quan tâm của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Nhân dịp thăm và làm việc tại Việt Nam, Cố vấn đặc biệt Sonoura đã chia sẻ với Thanh Niên về tầm nhìn chiến lược và những chính sách của Nhật Bản trong vấn đề này.
“Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”
Từ khóa địa chiến lược quốc tế nóng nhất trong tháng 11 có lẽ là "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" (Indo - Pacific) với bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng và cuộc họp cấp sự vụ của “bộ tứ kim cương” (Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc) tại Philippines. Xin ông cho biết có sự liên hệ nào giữa nỗ lực khởi xướng của Nhật Bản và những diễn biến mang ý nghĩa chiến lược trên? Nhật Bản đang và sẽ làm gì để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên kết, rộng mở và tự do giữa các chuyển động về an ninh, kinh tế và chính trị hiện nay tại khu vực?
Trật tự trên biển tự do và rộng mở trên tinh thần thượng tôn pháp luật là nền tảng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của cộng đồng quốc tế. Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực kết nối châu Á, trong đó có Việt Nam, được coi là trung tâm phát triển của thế giới, với châu Phi, sở hữu tiềm năng tăng trưởng to lớn, là động lực phát triển của thế giới, chiếm hơn một nửa dân số.
Duy trì và tăng cường trật tự trên biển tự do và rộng mở cũng như để khu vực này trở thành “tài sản chung của cộng đồng quốc tế” mang lại ổn định và thịnh vượng cho bất cứ quốc gia nào là điều rất quan trọng.
Trên tinh thần đó, Nhật Bản đưa ra “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Việt Nam đã ủng hộ chiến lược này của Nhật Bản từ ban đầu. Điều này là sự khích lệ tinh thần to lớn cho chúng tôi. Nhật Bản và các nước như Mỹ và Ấn Độ hoàn toàn chia sẻ về tầm quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng 11 vừa qua, hai bên đã thống nhất cùng nhau thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Cụ thể, 3 trụ cột và biện pháp của chiến lược gồm: Thứ nhất, phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải. Thứ hai, tăng cường tính kết nối thông qua việc hoàn thiện “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” như cảng biển, đường bộ... cũng như hoàn thiện môi trường kinh doanh để đạt sự thịnh vượng kinh tế. Thứ ba là duy trì hòa bình và ổn định thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và phòng chống thảm họa...
Quan hệ Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ
Trong thời gian qua, Nhật Bản đã đối thoại với các nước Mỹ, Úc và Ấn Độ về nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ Nhật - Mỹ - Úc và Nhật - Mỹ - Ấn. Tôi cho rằng việc các nước cùng chia sẻ giá trị cơ bản, đồng thời là các quốc gia có trách nhiệm lớn đối với việc đảm bảo ổn định và phồn vinh trong khu vực, đi sâu hợp tác trên thực tế nhằm ứng phó với các vấn đề trong khu vực và quốc tế như việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh trên biển và cứu trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa... là điều hết sức tự nhiên. Do đó, tôi cho rằng không cần phải xây dựng một cơ chế đối thoại mới giữa Nhật - Mỹ - Úc - Ấn để thực hiện “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Hợp tác với Việt Nam
Cùng là quốc gia biển lệ thuộc vào trật tự biển tự do và rộng mở trên cơ sở thượng tôn pháp luật nên tôi cho rằng Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực với trọng tâm và lĩnh vực liên quan đến biển. Tôi mong rằng trong thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam, một quốc gia đối tác chiến lược của Nhật Bản, và các nước có chung chủ trương để tiến tới “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Vài năm trở lại đây, Nhật Bản đã tiếp cận vấn đề Biển Đông sát sao hơn, không chỉ dừng ở các tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải mà còn tăng cường hỗ trợ cho các nước ASEAN củng cố năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược của Nhật Bản để góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải tại Biển Đông và những chính sách hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nói chung và Biển Đông nói riêng?
Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới đều rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông do vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Thêm vào đó, các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thảm họa thiên nhiên... vẫn còn tồn tại. Để loại bỏ các mối đe dọa này, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước liên quan, đồng thời nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực như hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật đối với các quốc gia ven biển.
Ví dụ, tháng 11 vừa qua, tổ chuyên trách hỗ trợ nâng cao năng lực của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Cảnh sát biển Nhật Bản) mới được thành lập đã được cử tới nước ngoài lần đầu tiên, như tới Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia để hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển các nước này nâng cao năng lực bảo đảm an ninh trên biển. Tôi cũng có dịp đi khảo sát và làm việc tại thực địa cùng Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Philippines.
tin liên quan
Sự tĩnh lặng tiềm ẩn bất ổn ở Biển ĐôngCác chuyên gia và nghị sĩ Mỹ vừa đưa ra những đánh giá mới nhất xoay quanh tình hình Biển Đông và phân tích ý đồ của Trung Quốc.
|
Bình luận (0)