Biên Hòa thành ‘ổ’ sốt xuất huyết

20/09/2015 04:59 GMT+7

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay tỉnh này có hơn 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, với 3 ca tử vong. Trong đó, Biên Hòa có tỷ lệ mắc cao nhất, tính đến giữa tháng 9 có trên 2.100 ca (tăng hơn 320% so với cùng kỳ).

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay tỉnh này có hơn 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, với 3 ca tử vong. Trong đó, Biên Hòa có tỷ lệ mắc cao nhất, tính đến giữa tháng 9 có trên 2.100 ca (tăng hơn 320% so với cùng kỳ).

Khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết
Khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết - Ảnh: Lê Lâm
Ngày 18.9, đích thân Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phải dẫn đầu đoàn công tác vào Đồng Nai kiểm tra tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Phát biểu tại cuộc họp với UBND tỉnh ngay sau đó, Thứ trưởng Long nhấn mạnh: “Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao nhất nước, với 120 ca/100.000 người. Từ nay đến cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục tăng cao, nếu không có những biện pháp quyết liệt phòng chống thì dịch có nguy cơ bùng phát”.
Chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 30.000 ca mắc sốt xuất huyết, đã có 18 người tử vong, nhiều ca bệnh diễn biến nặng. Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thời điểm dịch gia tăng, các trường hợp nghi ngờ: sốt cao đột ngột (đặc biệt lưu ý sốt cao kèm xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam), đau đầu, đau nhức cơ, xương thì cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi, tránh diễn biến nguy hiểm gây tử vong.
Nhiều tháng gần đây, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi Đồng Nai mỗi nơi hằng ngày tiếp nhận từ 10 - 30 ca sốt xuất huyết, khiến các bệnh viện này luôn quá tải. Sở Y tế Đồng Nai cũng nhìn nhận, từ tháng 4.2015 đã nhận thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng cao ở nhiều địa phương nên đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống. “Đã triển khai ba đợt phun hóa chất dập dịch, tiêu diệt lăng quăng; tuyên truyền bằng việc phát tờ rơi, phối hợp với VNPT thông báo bằng tin nhắn qua điện thoại đến các hộ dân. Tuy nhiên, do ý thức của người dân chưa cao, thậm chí là thờ ơ nên công tác phòng chống dịch kém hiệu quả", một lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai nói.
Sau khi đi kiểm tra thực tế ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) - địa bàn có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao nhất thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng xác định: “Mặc dù Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nhiều hộ dân vẫn còn rất nhiều vật dụng xung quanh nhà có chứa lăng quăng, người dân chưa biết cách phòng tránh”.
Khánh Hòa mỗi tuần 200 ca
Tại Hà Nội, đến thời điểm hiện nay đã ghi nhận hơn 1.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết - tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014, chưa có ca tử vong. Số mắc tăng khá mạnh trong 3 tuần gần đây với hơn 500 ca mới. Liên tục các ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã có các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng; truyền thông phòng chống dịch đến cộng đồng, giám sát, ngăn chặn các ổ dịch. Tính đến hôm qua (19.9), H.Thanh Trì vẫn đang là điểm nóng, với 424 ca mắc được ghi nhận, hiện vẫn còn 60 bệnh nhân đang điều trị. Các ổ dịch tại xã Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Ngũ Hiệp cũng đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.
Tại TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay cũng đã có gần 9.000 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú (tăng 66% so với cùng kỳ năm 2014), có 3 ca tử vong. Theo Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM, dịch bệnh hiện gia tăng và lan rộng ở Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Hóc Môn, Q.12... Qua khảo sát dịch tễ tại các phường, xã cho thấy ổ chứa lăng quăng là các vật phế thải xung quanh nhà các hộ dân ứ nước và máng cho vật nuôi uống nước, các vật phế thải tại công trường xây dựng, bãi đất trống, chậu kiểng…
Tại Khánh Hòa, tính đến hôm qua toàn tỉnh cũng ghi nhận hơn 2.290 ca mắc, 1 ca tử vong (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2014). 3 nơi có số ca mắc cao là TP.Nha Trang (gần 600 ca), H.Diên Khánh (hơn 430 ca), TX.Ninh Hòa (hơn 270 ca). Theo bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, với số ca mắc mới khoảng 200 ca/tuần, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh dự báo còn diễn biến phức tạp. Nhiều đơn vị đã sử dụng hết kinh phí phòng chống dịch bệnh do trung ương và địa phương cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.