Biên kịch: đông đảo mà vô danh

28/10/2011 09:40 GMT+7

Gần đây, dư luận chê bai nhiều về phim truyền hình VN. Hứng chịu búa rìu nhiều nhất là giới đạo diễn, vốn được biết mặt, biết tên. Ðiều này không sai nhưng chưa đủ vì còn thiếu “một người”...

Biên kịch là nghề tạo nên danh vọng. Tỉ lệ thuận với số lượng phim truyền hình ngày càng tăng lên sóng, lẽ ra khán giả Việt phải biết đến một lực lượng biên kịch Việt ngày càng hùng hậu. Kỳ lạ thay, sự thật là ngược lại.

Một số nhà văn, trong lúc thai nghén các thể loại “sang trọng” hơn như tiểu thuyết, truyện ngắn, xem viết kịch bản là cách lấy ngắn nuôi dài - chọn cách ký nhiều cái tên khác nhau để bớt sượng sùng vì đã phải “hạ mình” cho một thể loại mà tự họ chẳng coi trọng bao nhiêu. Nhiều biên kịch nhìn vào quá trình sản xuất phim nhanh, ẩu, không dám ký tên thật. Nhiều biên kịch khác không dám thừa nhận đứa con xộc xệch, “thiếu tháng” của mình, càng không dám “vỗ ngực xưng tên”. Kết quả là ta có một nền sản xuất phim xôn xao nhưng gần như... nặc danh biên kịch. Thế giới ấy làm nên những hỉ nộ ái ố đôi khi còn kịch tính hơn cả... kịch bản của họ.

Tỉ lệ “vàng” và mối nguy của phim Việt

Theo thống kê của công nghệ truyền hình Hàn Quốc vốn có tầm ảnh hưởng khắp châu Á, công thức thành công của một bộ phim truyền hình dài tập sẽ bao gồm: câu chuyện 50% + diễn viên 30% + các thành phần khác 20% còn lại. Trong hệ thống sản xuất phim đã gần như “nhà máy” này lưu truyền khẩu ngữ “Writer is the King!” - biên kịch là vua.

Ðể được tôn xưng là “vua”, câu chuyện của biên kịch không chỉ phải là một cấu trúc phức tạp được phân bố hài hòa theo các tập, nghĩa là tuân thủ những yêu cầu cơ bản của một kịch bản hay, mà còn phải đáp ứng hai đòi hỏi cơ bản của phim truyền hình dài tập: “nội” (70%) và “động”. “Nội”- tức nội dung câu chuyện xảy ra hầu hết bên trong nội thất để đảm bảo khâu sản xuất phim gắn liền với hệ thống phim trường, giảm giá thành sản xuất, nhưng “động” để đảm bảo câu chuyện vẫn sinh động, hấp dẫn, gay cấn, ăn khách.

Ðây thật sự là thử thách và muốn làm được, người viết trẻ phải học. Họ cần được cung cấp các số liệu, biểu đồ, phương pháp... rất cụ thể để có thể chủ động gieo hi vọng cho khán giả ở phút thứ 8 của tập 1, sau đó làm họ thất vọng ở phút 15 của tập 5, cười vỡ bụng ở phút 35 tập 7, sau đó khóc nức nở ở phút 20 của tập 10... chẳng hạn. Nhưng học chưa đủ, nhiều nhà biên kịch tại Hàn Quốc sau khi học xong vẫn phải làm phụ tá miệt mài hơn chục năm cho các biên kịch đàn anh, trước khi tự viết và được công nhận là một nhà biên kịch.

Tỉ lệ 50% nói trên có thể còn gây tranh cãi, nhưng không nghi ngờ gì nữa: kịch bản hay là điều kiện tiên quyết cho một bộ phim hay. Tỉ lệ quan trọng ấy của phim truyền hình VN hiện nay đang dựa hẳn trên một đội ngũ biên kịch chưa hề thông qua đào tạo. Họ - trừ vài nhà biên kịch nổi tiếng ai cũng biết mặt biết tên - hoặc tự học, hoặc học chút ít đâu đó, hoặc hoàn toàn mày mò bằng kinh nghiệm bản thân... đang tạo thành một thế giới biên kịch đông đảo nhưng... nặc danh và rất ít chuyên môn.

Bạn có thể đọc thấy những cái tên, những nhóm tên trên danh sách êkip làm phim, nhưng không có gì đảm bảo đó là những cái tên thật và hầu như bạn không bao giờ biết mặt họ. Sự nặc danh gây ra những bất công, đồng thời cũng là môi trường gây ra nhiều tiêu cực.


Những  “đứa con” xộc xệch của một  thế giới biên kịch đông đảo nhưng nặc danh và rất ít chuyên môn - Ảnh: HTV, VTV

Biên kịch là nạn nhân

Một nhóm biên kịch trẻ đầy nhiệt huyết đang nhận dự án cho một phim nhiều tập. Thình lình dự án bị ngưng vì nhà sản xuất kẹt vốn. Trong tình huống khó khăn này xuất hiện một “đầu nậu” tên T. Quen biết nhiều hãng phim, anh này nhận “thầu” các kịch bản nằm trong kế hoạch sản xuất của một số hãng nhưng viết một mình không xuể, bèn đi tìm các nhóm viết để “bán thầu” với giá 1 triệu đồng/ tập.

Cách làm là từ đề cương hãng phim đưa xuống, anh ta phát cho mỗi người một tập để viết rồi sau đó chỉnh sửa lại. Các biên kịch trẻ “để sống” phải nhận cái giá rẻ mạt, nhưng trong trường hợp này không ai muốn đề tên, bởi biết chắc viết kiểu “gia công bộ phận” này không bao giờ thành một câu chuyện nhất quán.

Không chỉ thế, mặc dù có thể đăng ký bản quyền, nhưng vấn nạn ăn cắp ý tưởng kịch bản là chuyện “bình thường”: biên kịch gửi kịch bản về một nhân vật giả tưởng cho một cá nhân hoặc một hãng phim, kịch bản không được mua nhưng sau đó họ thấy phim về nhân vật giả tưởng gần giống vậy trình làng. Khi xuất hiện phim đầu tiên coi như kịch bản gốc của bạn đã bị “đụng hàng” và có nguy cơ vứt thùng rác vì không còn ai mua nữa và cũng không thể kiện tụng vì chẳng có chứng cứ gì.

Một biên kịch tên tuổi còn chỉ ra rằng viết kịch bản nhiều tập là một công việc đầy tính rủi ro. Khi không được đặt hàng, xem như bạn sẽ mất vài tháng tới vài năm “đánh cược với may rủi” khi ngồi viết kịch bản, mà nếu sau đó không hãng phim nào chịu mua xem như mất trắng.

Nạn nhân của biên kịch

Một đạo diễn trẻ kể câu chuyện về cuộc chiến với biên kịch của anh như... trong phim: nghe đồn về một nữ biên kịch có nghề, anh tìm đến, đặt cọc 10 triệu đồng để cô này triển khai giúp anh đề cương mà anh đã soạn. Ðược ít lâu bỗng có chàng trai lạ điện thoại xin vai trong kịch bản đang được viết. Hỏi tại sao biết về kịch bản đó, anh bạn này thú nhận vì “Em đang viết nó”.

Ðạo diễn tá hỏa vì anh chàng “biên kịch” trên trời rơi xuống mà mình chưa hề biết này. Hẹn gặp, điều tra thì ra “nữ biên kịch” kia đã thuê lại anh chàng này với giá rẻ bèo, đó là lý do chàng trai, vốn là một diễn viên đang tìm vai diễn, biết để tìm đạo diễn xin vai. Ðạo diễn trẻ quyết truy tìm “nhà biên kịch” để tìm hiểu cớ sự thì cô này trốn tránh, hẹn lần hẹn lữa đến nỗi anh tuyệt vọng phải đến tận cơ quan cô ta nói chuyện với sếp. “Nhà biên kịch” khi ấy mới chịu gặp ở quán cà phê, rút ra 5 triệu đồng đưa cho anh với vẻ kẻ cả: “Xem như em chia sẻ với anh”(!?).

Nhiều chuyện dở khóc dở cười khác cũng nảy sinh từ giới biên kịch. Bởi yêu cầu của đài là duyệt đề cương, nhiều hãng phim lùng mua đề cương từ các biên kịch mà hoàn toàn không biết rằng từ đề cương tới kịch bản là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Ðạo diễn Q đã mua một đề cương hay mà không hề biết rằng biên kịch chưa hề có kịch bản của đề cương này. Ðến khi nhận kịch bản triển khai từ cái đề cương éo le kia, anh mới té ngửa là biên kịch hoàn toàn không có kỹ thuật phân cảnh, khắc họa nhân vật hay viết thoại. Tiền đã trả xong, anh đành đưa đề cương cho biên kịch khác viết, chấp nhận mất thêm một số tiền khác.

Cũng từ đề cương, nhiều nhà sản xuất méo mặt vì không ngờ khi triển khai thành kịch bản, biên kịch do không có nghề đã viết vào đó quá nhiều thứ gây tốn kém: mưa, lũ, vỡ bờ bao, cháy nổ... hoàn toàn không cần thiết với nội dung câu chuyện. Nhà sản xuất đành đưa vào sản xuất một câu chuyện nhiều chỗ thậm vô lý.

Trong thế giới nặc danh, dễ được tiền, các biên kịch trẻ bắt đầu “bất lương”, họ xào nấu ý tưởng phim Hàn, phim Trung Quốc, xào nấu ý tưởng “nước 1” mà chính mình đã bán cho hãng A thành một cái na ná “nước 2” đem... bán tiếp cho hãng B.

Làm gì để thay đổi?

1 Ðào tạo: Viết phim nhiều tập là một công việc phức tạp với những khái niệm và kỹ thuật riêng cần phải được học. Nếu không được đào tạo, trong vài chục năm tới VN vẫn sẽ còn phải nhập khẩu kịch bản ngoại. Hiện giáo trình nhiều trường đã cũ hoặc thiên về điện ảnh hơn truyền hình. Ðội ngũ giảng dạy cũng cần được làm mới, có tư duy giảng dạy mới.

2 Buộc có biên tập: Hiện nay ngoài Hãng phim TFS và vài hãng nhà nước còn sót lại chức danh biên tập phim, ở đa số hãng, để tiết kiệm, vai trò biên tập - giám sát, chỉnh sửa, nâng chất nội dung - đã hoàn toàn bị cắt bỏ. Kịch bản viết xong sẽ ra thẳng... phim trường với đầy đủ các sai sót của nó.

Có thể nói phim truyền hình hiện nay đang vận hành trong một cơ chế không hề có giám sát về nội dung. Ðạo diễn là người rốt cuộc phải chịu trách nhiệm khi phim dở, nhưng trong tình trạng sản xuất phim thần tốc, luôn phải nhận phim sát ngày bấm máy, thậm chí vừa quay vừa... phát kịch bản, chẳng đạo diễn nào can đảm sửa nội dung. Ai sẽ quy định một hãng phim buộc phải có biên tập viên và một kịch bản muốn bấm máy là phải qua khâu biên tập? Câu hỏi này dành cho giới chức cho phép thành lập hãng phim.

3 Công khai: Một điều công bằng và xứng đáng, ấy là công khai danh tính biên kịch. Với đóng góp quan trọng cho một bộ phim, biên kịch cần được tôn vinh bằng giải thưởng, bằng cách được biết đến nhiều hơn khi giới thiệu phim, trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ðiều này đem tới cho giới biên kịch vinh dự xứng đáng, đồng thời buộc họ phải chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Biên kịch hay sẽ được khen, biên kịch dở bị cạch mặt, đào thải. Hết “nặc danh” nghĩa là phải tự trọng, hết được “núp bóng” cái mơ hồ để kiếm tiền, mặc kệ dư luận.

4 Phân cấp phim hay - dở: Các giải thưởng phim tại các liên hoan phim hiện nay phần nào chỉ ra các phim khá trong dòng thác ồ ạt phim dở nhưng chưa đủ tạo áp lực để bắt các nhà sản xuất phải làm phim hay. Chừng nào phim dở sau khi chiếu vài tập còn chưa bị đá ra khỏi sóng để dành chỗ cho phim hay, chừng đó nhà sản xuất còn tội gì phải đầu tư công sức vào kịch bản, vào sản xuất. Ðo rating (chỉ số người xem) bằng những công cụ chính xác, thực tế là một cách làm hay mà các nước đã làm để thúc đẩy nền sản xuất phim của họ. Lập ra các hội đồng thẩm định công tâm chấm điểm, thưởng phim hay, phạt phim dở... cũng là những cách hay.

Phim Việt đã có đà, có số lượng, giờ cần có đẳng cấp, chất lượng. Và một trong những vấn đề lớn, cơ bản là tạo ra những kịch bản hay. Ðó chắc chắn là một... câu chuyện gay cấn, khó khăn nhưng phải làm, nếu không muốn lãng phí thêm nhiều thứ quan trọng như thời giờ, tiền bạc, công sức... để tạo ra nhiều hơn nữa những thứ tầm phào, vô bổ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.