​'Biến tấu' cùng tre

Mạnh Cường
Mạnh Cường
01/04/2019 13:17 GMT+7

Ông Nguyễn Công Quốc (62 tuổi, ở làng Liễn Thạnh, xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam) được biết đến nhiều bởi tài chế tác các sản phẩn biến tấu từ... gốc tre.

Từ những thân tre gầy guộc, có khi sần sùi, xấu xí, nhưng qua đôi tay tài hoa của ông Quốc, chúng “biến” thành những hình hài khác vô cùng hấp dẫn, bắt mắt. Người nhiều thán phục khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm do ông làm ra.
Suốt ngày bận bịu với công việc đồng áng, nhưng hễ rảnh rỗi là ông lại tìm đến những gốc tre, như thỏa mãn niềm đam mê chế tác của mình. Để có không gian, ông tận dụng một khoảnh sân lớn trước nhà. Đồ nghề không nhiều, chỉ máy cưa, máy mài, dao, rựa, quạt... Cầm trên tay gốc tre xù xì, ngắm nghía hồi lâu, ông gật gù rồi lấy dao cắt tỉa rễ xung quanh, sau đó dùng máy mài nhẵn. “Việc cân đo tỷ lệ đều bằng mắt chứ không dùng đến thước đo, tuy nhiên chưa một lần tôi phải vứt bỏ đi một gốc tre nào vì lỗi”, ông Quốc cười.
Mê tre từ lâu, nhưng thực ra ông chỉ mới mày mò chế tác sản phẩm nội thất bằng tre từ hơn 1 năm trở lại đây. Không phải là con nhà nghề mộc hay chạm khắc, lại chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào, nhưng ông Quốc cảm nhận công việc đang theo đuổi gần như là một sự “sắp đặt” và luôn dồn hết tâm lực. “Tôi yêu tre như con. Chế tác, tạo hình trên những gốc tre là niềm đam mê mà tôi nung nấu bao lâu nay. Khi còn trẻ phải bận bịu chuyện làm ăn, nay về già mới tìm đến tre để thỏa mãn niềm yêu thích”, ông tâm sự.
'Biến tấu' cùng tre1
Bộ ấm trà bằng tre ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Theo ông Quốc, trong các công đoạn chế tác, việc tìm kiếm được gốc tre ưng ý là khó nhất. Tre được chọn mua phải là tre già, trên 5 năm tuổi. Sau đó, ông mang về ngâm một thời gian rồi vớt lên phơi khô để chống mối mọt. Từ hình thù của mỗi gốc tre, ông suy nghĩ, chế tác thành những sản phẩm phù hợp. Thường để hoàn thành mỗi sản phẩm phải mất khoảng 5 - 10 ngày. Những chiếc giường, bộ bàn ghế, ấm trà… do ông chế tác từ tre tuy đơn giản nhưng gợi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu.
Ngoài ra, ông Quốc còn chú tâm tìm kiếm những cội tre còn nguyên bộ rễ để từ đó thêm thắt ý tưởng, đục đẽo… cho ra nhiều chân dung, như tượng địa, các quan tướng… Bộ sưu tập mỹ nghệ từ gốc tre gần gũi của ông đã hé lộ khả năng sáng tạo nghệ thuật từ chính những điều đơn giản, quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nông dân. “Hiện tôi chỉ chế tác phục vụ nhu cầu của gia đình và dành tặng bạn bè. Sắp tới, tối tìm kiếm vật liệu để có thể làm ra sản phẩm bán cho những ai có nhu cầu”, ông Quốc chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.