Không phải là ưu đãi nọ, hỗ trợ kia... hầu hết các doanh nhân được hỏi đều khẳng định, điều họ mong muốn hiện nay, trước đây và sắp tới là một môi trường kinh doanh bình đẳng. Để họ có thể cạnh tranh lành mạnh, tự hào khi thành công và "tâm phục khẩu phục" nếu thất bại.
Chúng ta vẫn thường nói, mọi thành phần doanh nghiệp (DN) đều bình đẳng. Nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại quá nhiều sự thiếu bình đẳng trong việc tiếp cận cơ chế, chính sách, pháp luật; thiếu công bằng trong thưởng - phạt... Sát sườn nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng. Nếu các DN tư nhân phải vượt qua rất nhiều yêu cầu khắt khe như tài sản thế chấp, dự án khả thi, tài chính lành mạnh, có lợi nhuận liên tục nhiều năm... khiến họ rất khó khăn để vay vốn ngân hàng thì các DN nhà nước lại khá dễ dàng dù hiệu quả sử dụng vốn của họ luôn thấp hơn so với khối tư nhân.
Chưa kể, lại có các tập đoàn làm ăn lúng túng, đứng trước nguy cơ phá sản khi trước đó vẫn được ưu ái bảo lãnh vay hàng tỉ USD để đầu tư vào các dự án xi măng - theo dự báo là cung đã vượt cầu. Sự ưu ái không tính đến hiệu quả như thế đối với DN nhà nước càng làm cho nhiều DN, các thành phần kinh tế khác khó tiếp cận vốn trong hoàn cảnh vốn tín dụng còn hạn chế.
Cũng có sự bất bình đẳng đến từ cơ chế quản lý lỏng lẻo. Đó là đưa ra các tiêu chuẩn, quy định, điều kiện... kinh doanh nhưng không giám sát việc thực hiện khiến những DN chấp hành nghiêm chỉnh, DN làm ăn đàng hoàng bị thiệt thòi. Như chuyện các lò mổ, các cơ sở sản xuất trứng sạch... chấp nhận bỏ chi phí đầu tư dây chuyền hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại không "sống" nổi với các lò thủ công, chất lượng không đạt nhưng giá thành rẻ hơn. Hay hàng loạt các DN trong nước từ vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng cho đến rau, củ, quả... điêu đứng vì cạnh tranh không nổi với hàng giả, hàng gian, hàng nhập lậu trốn thuế...
Thực tế, trong một số vụ việc cụ thể khác liên quan đến xây dựng dự án bất động sản, nghĩa vụ thuế vẫn còn tình trạng “ưu ái” không hợp lý. Có công trình lẽ ra phải bị “cắt ngọn” do vi phạm nhưng lại có thông tin là được “bật đèn xanh” cho tồn tại; có DN băn khoăn vì quy trình và cách tính thuế được áp dụng cho mình... Không thể có sự tồn tại những tiền lệ xấu, những xử sự ưu tiên riêng cho các DN trong việc thực thi các quy định, các chính sách nhằm tạo động lực cho giới DN vượt khó, vươn lên để vừa góp phần vực dậy nền kinh tế, từng bước hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.
Không chỉ đối mặt với lạm phát, lãi suất, chi phí đầu vào tăng cao, còn quá nhiều vấn đề bất bình đẳng, chưa công bằng đang tồn tại. Đó là lý do vì sao, các doanh nhân lại mong muốn được tiếp tục kiến nghị làm rõ, tháo gỡ những khó khăn nhân ngày của chính họ, ngày Doanh nhân Việt Nam.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)