Bình Điền tham gia tích cực vào Đề án 1 triệu ha 'lúa xanh'

17/10/2024 10:47 GMT+7

"Với phương châm luôn là người bạn đồng hành của nhà nông, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền luôn tham gia tích cực vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ NN-PTNT nhằm góp phần nâng tầm gạo Việt ", ông Phan Văn Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền nói.

Bình Điền tham gia tích cực vào Đề án 1 triệu ha 'lúa xanh'- Ảnh 1.

Ông Phan Văn Tâm cho biết công ty tham gia tích cực vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

ẢNH: B.Đ

Vụ lúa thu đông năm 2024, HTX Thắng Lợi ở xã Láng Biển (Tháp Mười, Đồng Tháp) tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" trên diện tích 43 ha với 20 hộ dân tham gia. Giống lúa được sử dụng là OM18, áp dụng quy trình canh tác bền vững là sạ cụm, sạ hàng giúp giảm lượng lúa giống còn 65 - 70kg/ha, kết hợp vùi phân bón và quản lý nước ngập - khô xen kẽ. Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ 50% chi phí về phân bón và cùng các đối tác hỗ trợ kỹ thuật.

Bà con nông dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư như giống, phân bón, chế phẩm Trichoderma phân hủy rơm rạ, ứng dụng cơ hóa như máy sạ cụm/sạ hàng, drone phun thuốc. Phần 50% chi phí còn lại là nguồn xã hội hóa như giống, phân bón, công sạ cụm, chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính, hội thảo đầu bờ… với sự tài trợ của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và các đối tác như: Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty TNHH Tư Sang, Công ty TNHH Bayer VN, Công ty TNHH Lúa gạo VN.

Các doanh nghiệp tham gia đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 100 - 150 đồng/kg. Lợi nhuận từ mô hình cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so với đối chứng. Đặc biệt thu nhập tăng thêm từ 800.000 - 900.000 đồng/ha so với đối chứng từ việc bán rơm sau thu hoạch.

Ông Phan Văn Tâm nói: "Với phương châm luôn là người bạn đồng hành của nhà nông, Bình Điền sẽ tham gia tích cực Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp với mục tiêu giảm 30% lượng phân bón. Ngay trong các mô hình liên kết giữa Bình Điền và các đối tác đã đáp ứng được mục tiêu này. Đây là kết quả chương trình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" mà Bình Điền và các đối tác đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện ở nhiều địa phương ĐBSCL. Bên cạnh việc tham gia Đề án 1 triệu hecta, Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh tại 5 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Một trong những quy trình kỹ thuật canh tác mới được áp dụng là việc cuốn rơm rạ và ứng dụng chế phẩm xử lý nhanh rơm rạ thành phân hữu cơ ngay tại ruộng, hoặc làm giá thể cho nhiều loại cây trồng.

Cuối tháng 8.2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trần Thanh Nam đã có cuộc làm việc với tỉnh Đồng Tháp và khảo sát mô hình tại HTX Láng Biển. Thứ trưởng bày tỏ sự phấn khởi với những kết quả bước đầu triển khai Đề án tại HTX Thắng Lợi, nhất là nông dân xin tham gia mô hình thí điểm ngày càng nhiều. Cùng với việc giảm 30% chi phí sản xuất, việc mô hình bước đầu hình thành được cơ chế liên kết sản xuất. Thứ trưởng cũng đánh giá cao và yêu cầu địa phương tiếp tục theo dõi, hỗ trợ để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.