Tìm mỏi mắt cũng không có xe ngựa, xe thồ; phương tiện có bánh xe duy nhất được biết đến là chiếc cút kít của thợ đào đất. Mọi thứ được vận chuyển trên lưng người chứ hiếm khi trên lưng ngựa. Hàng hóa nhẹ thì dùng thúng mủng móc lên hai đầu quang gánh rồi phu phen quẩy đi; hàng nặng thì treo giữa quang gánh, hai đầu sẽ có người kê vai vào gánh; du khách cũng di chuyển theo lối nằm trên võng có mái che, võng này đậu rất nhiều ở cửa khách điếm giống như những cỗ xe chờ ở bến vậy.
Chỉ quan lại hoặc người Trung Hoa mới cưỡi ngựa có yên cương. Ngựa thồ thường được dùng ở miền núi. Xưa kia có nhiều voi nhưng nay chỉ còn hai con thuộc về chính quyền và chúng chỉ ra khỏi chuồng để đi kiếm cái ăn.
Thành Bình Định
Tuy thế, con đường được duy tu tốt hơn ở đoạn đi vào thủ phủ tỉnh là đường chính chạy qua thành Bình Định. Những ngôi nhà nằm hai bên đường lợp tranh vách đất chỗ ngoại ô nhưng càng vào trong châu thành thì càng khang trang hơn và sát thành, trong khu phố người Hoa là những ngôi nhà xây bằng gạch lợp mái ngói. Như mọi ngôi nhà ở An Nam [Trung kỳ], chúng không có tầng cũng không có hầm.
Bình Định là châu thành của 15 đến 20 ngàn cư dân, chiều dài lớn hơn nhiều so với chiều rộng và được giữ gìn khá ngăn nắp. Mặc dù quan tổng đốc trú ở đây là một nhân vật quá cao cấp để vi hành trong phố phường nhưng ông ta yêu cầu phố phường phải được quét dọn hằng ngày.
Tòa thành có vị tổng đốc trú ngụ ở trong đó gần như cũng vô hình tựa chủ nhân, nó mọc lên giữa khoảng dài của châu thành, ngay gần bên đường cái. Tòa thành này là tác phẩm của các sĩ quan Pháp từng giúp Gia Long giành lại ngai vàng từ tay nhà Tây Sơn; tuổi đời của nó chưa được một thế kỷ.
Thành xây kiểu Vauban và khá rộng để bố trí không chỉ nơi trú ngụ của tổng đốc và các quan phụ tá: quan án [sát] và quan bố [chánh] mà còn có cả kho lẫm chứa thuế hiện vật và tiền, các cơ sở tôn giáo, quân sự và dân sự, nhà ở cho lại viên, lính tráng và gia đình họ.
Trong tòa thành đông đúc này, tường bao ngăn cách các khu dành riêng cho quan lại và các cơ quan công vụ, chừa lại lối đi rộng rãi với bóng cây xanh mát để mỗi sáng, các nhà buôn ngoài thành tới bán cho dân chúng trong thành hoa trái, rau cỏ và những vật dụng hằng ngày.
Nhà ở của quan viên không khác gì nhà ở của tầng lớp khá giả ngoại trừ kích thước; chúng vẫn cùng một cấu trúc: mái nhà không dựa vào tường mà được chống bởi các cột gỗ, và cùng kiểu nội thất: bàn, ghế dài và ghế bành khá bất tiện với người châu Âu, phản dành cho khách bản địa.
Trong sân nhà của quan tổng đốc, đối diện sảnh lớn làm phòng đợi hoặc đôi khi là phòng xử án, có một chiếc đồng hồ mặt trời và một chiếc vũ kế dựng trên những cột đá hoa cương được che nắng chắn mưa bởi giàn cây. Những pháo đài cũng được che phủ bởi cây cối như xoài với tán lá sẫm màu, dưới bóng râm là nơi chăn thả đàn dê. Nhưng điều khiến cho tòa thành này độc đáo hơn cả chính là vành đai hoa bao quanh nó vào một số tháng trong năm.
Ngay từ tháng 6, những hào nước đã trông như một bồn hoa diễm lệ với hoa súng đủ màu từ trắng tới đỏ thi nhau khoe sắc, những nhánh cao trần trụi đung đưa những nụ lớn và những bông nở rộ, bên trên những tấm lá rộng xòe ra cho những hạt nước lấp lánh trên mặt tấm nhung xanh tựa những viên kim cương dưới ánh mặt trời. Cảnh tượng ấy thật mỹ lệ.
Tôi có biết về sự tôn thờ của phật tử đối với hoa sen thiêng liêng và tôi hiểu vì sao tổng đốc lại cho phạt gậy đối với bất kỳ ai dám hái hoa sen. Sự gìn giữ ấy là có nguyên do: Nếu tổng đốc quá thiết tha với hoa sen như lời người ta nói thì đó là bởi hạt sen rất được thợ làm bánh và thầy thuốc ưa chuộng. Dĩ nhiên là quan lại đã quá lạm dụng hình phạt trượng.
Khi chúng tôi rời Bình Định và con đường cái quan để đến Kim Châu thì mặt trời cũng dần xuống núi, Kim Châu là một ngôi làng Cơ Đốc giáo, nơi đã chuẩn bị chỗ ở cho chúng tôi, cách góc thành tây bắc chừng một cây số và cũng chính là chỗ thường trú của cha I.
Huyện này có không dưới bảy họ đạo nằm rải rác. Mỗi họ đạo có một nhà thờ bằng gỗ và một ngôi nhà vách đất, nền đất dành cho linh mục phụ trách. Tất cả những làng theo Cơ Đốc giáo đều nghèo đến nỗi không thể duy trì mỗi nơi một cố đạo và các nhà truyền giáo lại quá ít ỏi để có thể chia bớt nhiệm vụ cho nhau. Vì thế họ không biết đến nghỉ ngơi và cũng không nề gian khổ.
Khi có người đau bệnh ở phía đầu kia huyện cầu cứu, nhà truyền giáo sẽ lập tức lên đường bất kể thời tiết xấu, khuya khoắt, cọp rình trong bóng tối, theo sau chỉ có một đầy tớ duy nhất và ông chỉ dừng lại chừng nào đã tới trước cửa nhà người bệnh, đôi khi chính người bệnh ra mở cửa để thông báo cho cha rằng đã hồi phục và không cần cha phải đến như vậy.
Kim Châu là trụ sở chính của cha I., là nơi cha sẽ phải chia tay bầy chiên của mình; cuộc khởi hành đã được ấn định vào sáng ngày mai. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)
Bình luận (0)