Tôi rời Thị Nại vào chủ nhật ngày 14.12.1884 bằng con đường duy nhất xuất phát từ đó; nhưng sau khi đi được 10 cây số thì tôi tạm thời rẽ hướng để tới chủng viện Làng Sông để gặp một người bạn đường, cha I… ông sẽ đi truyền đạo cho người Bahnars.
Qua ghi chép của nhiều giáo sĩ tôi biết được khó khăn của việc đi lại nên cần thiết phải có một người dẫn đường tin cậy và một đoàn hộ tống đông đảo. Cuốn sách của Cha Dourisboure (les Sauvages Bahnars) đã khơi dậy trong tôi sự tò mò hơn là thỏa mãn, đã dạy tôi rằng các bộ lạc sống ven sông Bla không hiếu khách, rằng cho đến ngày nay vẫn chỉ có các nhà truyền giáo mới xâm nhập được lãnh thổ của họ và tạo dựng ở đó một vài cơ sở với cái giá của rất nhiều nỗ lực và mạng người. Vì vậy tôi cẩn thận để không bỏ lỡ một chuyến đồng hành dễ chịu và hữu ích như thế.
Cha I… quả thực đang tính đến một lãnh thổ xa lạ giống như tôi, nhưng hai đồng nghiệp của cha ở Bla sẽ xuống đón cha, họ đã cử người dẫn đường và dẫu sao đi nữa, hai đoàn hộ tống hợp lại sẽ càng đảm bảo hơn cho hành trình của chúng tôi.
Chúng tôi cưỡi ngựa, lội qua chỗ cạn của sông Làng Sông và tiếp tục con đường đi Bình Định ở ngay chỗ rẽ lúc trước của tôi. Đường băng qua một cánh đồng canh tác hoa màu và được tưới tiêu bởi vô số dòng nước, bên trên những kênh rạch đó là những cây cầu xinh xinh không mấy kiên cố; phần lớn còn rệu rạo tới mức nếu không cẩn thận khi đi qua thì có nguy cơ rơi xuống nước.
Làng mạc nối tiếp nhau, lúc thì ẩn mình sau lũy tre cách đường lớn vài trăm bước, lúc thì rải rác những mái tranh bên vệ đường hoặc quây quần lại quanh một khu chợ náo nhiệt ồn ã.
Rồi chúng tôi đi bộ từ một khối núi cuội kết chứa đá, thứ đá Biên Hòa: đó là núi Tháp-bà-mẫu-thiên hay còn gọi là Tam Tháp, núi của ba ngọn tháp vì có ba công trình Chăm giống như cụm tháp ở Thị Nại, đứng trên đỉnh núi.
Tháp lớn nhất với khám thờ cạnh bên được bảo tồn khá tốt, bên trong chứa tượng thần Çiva như đã đề cập; hai tháp còn lại nằm bên trái và bên phải trên hai đỉnh thấp hơn ở phía đông của đỉnh chính. Từ đỉnh chính này có thể thấy thành Bình Định nằm cách 2 cây số về phía tây.
Thành đã luôn bị các đội quân coi như yếu huyệt của vùng; vì vậy nó trở thành đích ngắm của một đội quân được trang bị vũ khí tầm xa. Gần ngay đó, giữa hai con sông không có cầu bắc qua và không bến lội, đường của chúng tôi gặp con đường Thiên lý hay còn gọi là đường Cái quan, huyết mạch lớn của vương quốc nối kinh đô với các tỉnh nằm ở điểm mút Bắc kỳ và Nam kỳ.
Mặc dù có tầm quan trọng hàng đầu nhưng con đường này không thể nào chạy xe được: tại những điểm vô số núi cắt bờ biển thành thung sâu, con đường chỉ nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách; nó trở thành đường mòn và để nhanh hơn, nó bám sát mục tiêu bằng cách băng qua những con đèo bằng dốc đứng nhất, thậm chí đôi khi như ở tỉnh Phú Yên, đường là những bậc thang gập ghềnh bằng đá tảng hết sức hiểm trở buộc người ta phải xuống ngựa đi bộ; sau đó đường dẫn xuống đồng bằng, cho thấy nó chẳng mấy tiết kiệm thời gian của du khách; rồi nó men theo những khúc quanh của bờ biển, có lúc không màng tới thủy triều dâng; ở nhiều nơi khác đường bung rộng ra với cây cối và hoa thơm che phủ để rồi quên mất và đắm chìm trong bùn ruộng.
Đường gặp vô số dòng chảy, lúc thì đột ngột cắt ngang nó khiến cho người ta phải dùng bè tre vượt qua, lúc thì chúng tạo thành bãi cạn nhưng thường xuyên nhất là cầu gỗ hoặc đá nối hai bờ sông.
Những cây cầu gỗ dựng theo kiểu An Nam, vừa hẹp vừa yếu; cầu đá xây bằng đá Biên Hòa, chỉ có một hoặc hai nhịp và rộng bằng lòng đường, đã xuất hiện từ thời xa xưa trước khi xứ này bị vua chúa Bắc kỳ chinh phục; cầu đá cần thiết để vận chuyển vật liệu nặng dùng xây dựng các công trình Chăm; tên gọi và vị trí của nhiều cầu chỉ ra rằng kể từ khi xây cầu thì rất nhiều dòng chảy nhỏ đã biến mất không còn dấu vết hoặc đúng hơn là đồng bằng được tưới tiêu bằng những kênh đào và được khóa van cẩn thận; những kênh dẫn nước này sớm đã bị lấp sau khi người nông dân Chăm khéo léo bỏ đi; và những cây cầu đá xưa kia từng chịu những tải trọng lớn nhất và nối liền đường sá hàng thế kỷ thì đã không chịu nổi sự chểnh mảng của người An Nam vốn chẳng biết bảo trì sửa chữa cho chúng. Đến nỗi một mái vòm bị đổ nát đã bị thay thế bằng một vòm tre với vài cọc chống. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)
Bình luận (0)