Nước đến chân vẫn... chưa nhảy!

26/12/2009 12:56 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa (1.1.2010), quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, khi được hỏi về "sự kiện" này, quá nhiều người vẫn ngơ ngác... không biết, còn người biết thì cứ coi như... không biết!

Lý do có nhiều, song điều cốt lõi là tính khả thi của chế tài này không cao, trong đó có một vấn đề nan giải: Ai sẽ giám sát và ai sẽ xử phạt khi mà số người hút thuốc lá lên tới cả triệu người? Mặt khác, việc "chém ngọn" này xem ra khó khả thi khi mà cái gốc của vấn đề (các nhà máy sản xuất, cơ sở buôn bán thuốc lá) vẫn ngày đêm gia tăng công suất và việc bán thuốc lá tràn lan dường như không ai quản lý!

Đã hút, chưa bị phạt, tiếp tục hút

Từ năm 2008, tại TPHCM, các  bệnh viện (BV) đều lập ban chỉ đạo và ký cam kết BV không khói thuốc lá (TL), nhưng thực tế tại nhiều BV, người nhà và cả... bệnh nhân, y bác sĩ vẫn vô tư hút mặc cho nhân viên y tế và bảo vệ nhắc nhở. Tại BV Nhi Đồng 1, từ năm 2008, BV đã triển khai chương trình cấm sử dụng thuốc lá trong BV. Nếu ai vi phạm, đội bảo vệ sẽ lập biên bản và mời ra khỏi khuôn viên BV.
 
Tuy nhiên, từ tháng 9.2008 đến tháng 3.2009, qua 54 đợt giám sát, BV chỉ phát hiện 19 lượt vi phạm. Khảo sát nhanh tại BV Ung bướu và BV Nguyễn Tri Phương, PV đã chứng kiến cảnh thân nhân bệnh nhân vẫn "vô tư" hút thuốc ngoài hành lang, mặc dù đã có sự nhắc nhở của BS. Các BV trên đều có băngrôn cấm hút thuốc ở nhiều nơi, nhưng dường như không được nhiều người chú ý.

Lý do mà người hút TL vẫn cứ hút thuốc ngay cả nơi có biển cấm là do không bị xử phạt. Theo quy định từ 1.1.2010, hành vi hút thuốc nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ mức nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền 50.000-100.000 đồng cho mỗi lần vi phạm. Thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành, UBND có nhiệm vụ kiểm soát việc thực hiện và xử phạt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dù quy định khá cụ thể, song việc triển khai chắc chắn sẽ gặp khó khăn, bởi hiện tại lực lượng thanh tra còn quá mỏng.

Ngay ở tại các văn phòng công sở, khuôn viên BV hay thậm chí phòng làm việc của các bác sĩ, những đầu mẩu thuốc lá vẫn còn vương vãi mà chưa thấy xử phạt, thì làm sao có thể xử phạt những người vi phạm tại các bến tàu, bến xe, rạp chiếu phim...


Cấm hút thuốc nơi công cộng là cần thiết nhưng cần chế tài mạnh


Sẽ chỉ là hình thức?

Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông - thì việc cấm hút thuốc tại bến xe đã có quy định từ lâu, nhưng triển khai rất khó. Quy định là một chuyện, ý thức của người dân lại là chuyện khác. Từ ngày 1.1.2010, khi chế tài xử phạt hành vi hút thuốc lá có hiệu lực thì cũng vậy, khó có thể áp dụng được vì người ra vào bến quá đông. Bến xe lại không có hệ thống camera quan sát. Nếu xử phạt mà người không có tiền đóng thì cũng như không.
 
Thạc sĩ - BS Nguyễn Trọng Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM - cho rằng, cần phải có lộ trình và chuẩn bị kỹ trước khi triển khai thì quy định xử phạt mới hiệu quả.

Trước khi quy định về việc cấm hút TL tại các công sở, nơi công cộng... có hiệu lực, Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện thí điểm không khói TL tại công sở và nơi công cộng. Thế nhưng qua một thời gian khá dài, việc thực thi vẫn chỉ mang tính hình thức. Theo đánh giá của Văn phòng Chương trình phòng, chống tác hại TL quốc gia (VINACOSH) - Bộ Y tế, 80% số cơ sở y tế treo biển cấm hút TL, tuy nhiên có đến 20% số cơ sở y tế vẫn cho phép bán TL ngay trong BV, 40% có đầu mẩu thuốc lá ở hành lang, khuôn viên cơ sở.

Tại các cơ sở giáo dục cũng có đến 80% số đơn vị phổ biến nội quy với mức báo phạt rõ ràng và treo biển, thế nhưng vẫn còn 10% số trường học (ở các trường phổ thông, đại học) có bán TL trong trường. Ơ các cơ quan, công sở, 40% treo biển cấm hút TL, 27% số công sở có thông báo nội quy cấm hút TL, song có đến 73% nhân viên hút TL ở hành lang công sở...

Vẫn còn nhiều bất cập

Ông Lý Ngọc Kính - Chánh Văn phòng phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia - cho rằng, văn bản đã có, nhưng thực thi thì sẽ còn hạn chế, không có đội ngũ chuyên trách về vấn đề này và người dân không quen sống và thực hiện theo những quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Chánh TT Sở Y tế TPHCM - cho rằng: "Quy định việc xử phạt rất khó áp dụng vì TPHCM quá lớn và lực lượng TT nếu làm nhiệm vụ xử phạt hành vi trên thì chẳng có người". Chắc chắn một điều, huy động toàn lực của lực lượng TT y tế từ cấp TP đến quận, huyện cũng không thể nào kiểm tra xuể việc hút thuốc lá tại các điểm công cộng".

Mức xử phạt thấp chưa đủ sức răn đe. Đại diện một số bộ, ngành cũng cho rằng, nếu không thực thi nghiêm chế tài xử phạt hành vi hút TL nơi công cộng thì tình trạng hút thuốc vẫn sẽ còn tiếp diễn, dù ở đó có rất nhiều biển cấm hút thuốc. Nếu có luật rồi, vi phạm luật mà không bị phạt thì luật ban ra chỉ... cho vui.

Đưa ra quy định cấm hút TL, nhưng vẫn còn tình trạng buôn bán TL lậu tràn lan tại nhiều khu vực. Hầu như bất kỳ quán nước, nhà hàng, căng tin giải khát ở các khu vực công cộng đều có bán TL. Cấm hút TL, nhưng ngành y tế đến lúc này chưa đưa ra được phương pháp cai nghiện TL. Cấm người nghiện TL không được hút TL là điều quá khó, vì vậy cần có phòng, buồng riêng cho những người hút TL tại nơi công cộng. Ngay việc các biển cấm hút TL vẫn còn rất hiếm hoặc treo ở những nơi khó nhìn. Vậy lệnh cấm này liệu có khả thi?

Theo Võ Tuấn - Ngọc Phương / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.