Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuệ Hiền - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, liên quan đến diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh và chính sách thu hút đầu tư của địa phương.
|
Xin bà cho biết tóm tắt một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước trong nhiệm kỳ qua?
Bà Trần Tuệ Hiền: Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra trong Nghị quyết nhiệm kỳ 2016 - 2020 đều được thực hiện hiệu quả. Trong 15 nhóm chỉ tiêu cơ bản, ước thực hiện đến cuối năm 2020 có 8 nhóm vượt, 7 nhóm đạt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,25%, tăng 0,15% so với nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 20,5%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 43%; ngành dịch vụ chiếm 36,5%. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, ước đạt 68.000 tỉ đồng, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước, ước đạt 67,3 triệu đồng (tương ứng 3.000 USD), đạt gấp 1,54 lần so với năm 2015.
Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có sự chuyển biến theo chiều sâu; nông nghiệp đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng lâu năm, ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Công nghiệp - xây dựng đã gắn kết hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) với phát triển đô thị, sản phẩm công nghiệp phụ trợ đa dạng, là tín hiệu tốt cho phát triển cụm ngành. TX.Đồng Xoài được nâng cấp lên thành phố, đáp ứng cơ bản vai trò trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh.
Các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có sự chuyển biến tốt, đời sống nhân dân được nâng lên, diện mạo của tỉnh từ đô thị đến nông thôn có sự thay đổi tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường…
Bà có thể phân tích rõ hơn những lợi thế sẵn có, tiềm năng, thế mạnh của Bình Phước đối với các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước?
Bình Phước là địa bàn kết nối Tây nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là tỉnh có diện tích rộng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão, lụt, phù hợp phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp quy mô lớn. Bình Phước còn là vùng nguyên liệu cao su, điều, hồ tiêu; chế biến, sản xuất đồ gỗ thành phẩm, phát triển năng lượng mặt trời, khai thác du lịch lịch sử - sinh thái, chế biến nông sản…
Tỉnh Bình Phước hiện có 13 KCN với tổng diện tích 4.686ha; trong đó, 8 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.194ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan, với tổng diện tích 28.364ha (trong đó 3.580ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động). Tỉnh cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Sikico tại H.Hớn Quản với diện tích 655ha, vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỉ đồng; KCN và dân cư Becamex Bình Phước với tổng diện tích 4.633ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 21.000 tỉ đồng. Tỉnh cũng đang triển khai lập quy hoạch Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú với quy mô 6.137ha, 3 KCN ở H.Phú Riềng với diện tích 1.300ha và một số khu thương mại dịch vụ tại Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Long...
Định hướng mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 phát triển 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 583ha; quy hoạch đến năm 2030 phát triển 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.259,17ha. Đây chủ yếu là “đất sạch” sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hầu hết các KCN của tỉnh Bình Phước đều được quy hoạch nằm ven trục Quốc lộ 13, 14 và đường ĐT741; các tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng từ 4 - 6 làn xe, rất thuận tiện cho lưu thông liên kết giữa Bình Phước với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bình Phước với khu vực Tây nguyên và các nước bạn Campuchia, Lào…
“Làn sóng” đầu tư vào tỉnh Bình Phước ngày càng sôi động trên nhiều lĩnh vực. Sự đóng góp của các DN, nhà đầu tư như thế nào trong tổng thể bức tranh chung về kinh tế - xã hội của địa phương?
Với chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, DN”, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 7.800 DN với số vốn đăng ký là 73.900 tỉ đồng (trong đó số DN đang hoạt động, có phát sinh thuế là khoảng 6.000 tỉ đồng). Thu hút đầu tư trong nước 983 dự án (DA) với tổng số vốn là 83.948 tỉ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 252 DA với số vốn đăng ký là 2,504 tỉ USD.
Thời gian qua, tỉnh được xem là điểm sáng về thu hút đầu tư ở khu vực phía nam. Đã có nhiều DN đầu tư các DA lớn như KCN - dịch vụ và đô thị của Công ty Becamex IDC; Các DA chăn nuôi - chế biến của Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn CP, Tập đoàn Hùng Nhơn; DA khu di tích Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá, các DA điện năng lượng mặt trời...
Định hướng sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới, thưa bà?
Trong thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút, kêu gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng ít năng lượng; DA sử dụng lao động tại chỗ; DA công nghiệp hỗ trợ; chế biến các sản phẩm nông nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; các DA phát triển năng lượng tái tạo, đô thị, thương mại dịch vụ; du lịch... Kiên quyết từ chối những DA có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, DN trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân và DN. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức…
Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi này!
Chủ động các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trước đại dịch Covid-19
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Phước đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và khai thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết là tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, tăng cường đấu thầu qua mạng… để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khuyến khích và huy động các nguồn vốn của DN để đầu tư các DA theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các DA có sử dụng đất.
Tổ chức gặp gỡ từng loại hình DN và thành lập tổ phản ứng nhanh do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho DN. Tỉnh chủ trương các loại quỹ có tính chất đầu tư sẽ gửi vào quỹ đầu tư của tỉnh để hỗ trợ DN vay vốn, cho vay giảm nghèo và an sinh xã hội. Dự kiến thực hiện gói hỗ trợ 330 tỉ đồng dành cho các đối tượng an sinh xã hội…
|
Bình luận (0)