Bình Phước: Đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử

26/04/2021 14:52 GMT+7

Xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, chỉ sau 2 năm triển khai xây dựng, tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả đột phá, được Bộ, ngành và các địa phương đánh giá cao.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
Xin bà cho biết quá trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Bình Phước được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Bà Trần Tuyết Minh: Như chúng ta đã biết, chỉnh quyền điện tử là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin (CNTT). Tất cả các hoạt động của cơ quan chính phủ các cấp sẽ ứng dụng CNTT để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn.
Hình 1: Bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước

Bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước

Tỉnh Bình Phước, xuất phát điểm còn nhiều hạn chế so với các tỉnh thành trên cả nước, nên việc xây dựng Chính quyền điện tử là rất quan trọng, nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ trước năm 2018, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách để phát triển chính quyền điện tử thông qua việc xây dựng, phát triển nhiều phần mềm ứng dụng như Hệ thống điều hành và quản lý văn bản, các phần mềm ứng dụng ngành giáo dục, y tế, xây dựng cổng thông tin của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử tại Trung tâm phục vụ Hành chính công.
Năm 2018 - 2020, giai đoạn tập trung phát triển với Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12.9.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Bình Phước. Đây là chủ trương quan trọng, cấp bách trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước

Bà có thể điểm qua một số kết quả nổi bật trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đến thời điểm hiện tại là gì?
Qua 3 năm tập trung triển khai, đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính, cấp xã đạt 71%. Hệ thống xử lý văn bản và điều hành, hội nghị truyền hình, một cửa điện tử trực tuyến đã được xây dựng từ tỉnh đến 100% cấp huyện, cấp xã. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh với trên 7.669 hộp thư điện tử được cấp phát. Đã triển khai ứng dụng chữ ký số, tích hợp lên phần mềm quản lý văn bản, sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy…
Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh cung cấp dịch vụ đạt mức độ 3, mức độ 4 là 1.645 DVC (chiếm 87,55%). Đã đồng bộ tích hợp, công khai lên Cổng DVC quốc gia được 855 DVC (đứng thứ 3/63 tỉnh, số liệu tính đến ngày 18.4.2021). Dịch vụ chứng thực điện tử đã triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, đạt khoảng gần 700 hồ sơ (đứng thứ 2/63, số liệu tính đến ngày 18.4.2021).
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh và 3 trung tâm cấp huyện (Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long) đã đi vào hoạt động và đã được kết nối liên thông với Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của Chính phủ. Song song đó, tỉnh đã triển khai các ứng dụng (App) tương tác của người dân với chính quyền như: Bình Phước Today, Công báo điện tử...
Tỉnh đang xây dựng nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Phước thay thế Nghị quyết số 07-NQ/TU cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay với mục tiêu chuyển từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ và kiến tạo”.
Đoàn công tác của tỉnh Hưng Yên vào tham quan mô hình xây dụng chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước

Đoàn công tác của tỉnh Hưng Yên vào tham quan mô hình xây dụng chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước

Ảnh: Hoàng Giáp

Thời gian tới, tỉnh xác định những nhóm nhiệm vụ, giải pháp nào là trọng tâm để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa “chính quyền điện tử”, “đô thị thông minh”, tạo môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp?
Để xây dựng “chính quyền điện tử” hướng tới “chính quyền số” trong thời gian tới tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm:
1. Hoàn thiện môi trường pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách để phát triển ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử.
2. Phát triển dữ liệu, xây dựng các hệ thống Cơ sở dữ liệu dùng chung; Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bình Phước; Kết nối các cơ sở dữ liệu của quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về dân cư, đất đai, bảo hiểm xã hội với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh…
3. Nâng cấp các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, triển khai mạnh văn phòng điện tử, phòng họp không giấy. Phát triển mạnh ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, ứng dụng phục vụ tương tác với chính quyền qua thiết bị điện thoại thông minh.
4. Bảo đảm an toàn thông tin cho hoạt động của cơ quan, tổ chức.
5. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh đáp ứng được yêu cầu công việc.
Hiện tại, tỉnh đã ban hành kiến trúc ICT phát triển địa phương thông minh tỉnh Bình Phước. Tiếp theo, tỉnh sẽ phê duyệt Đề án xây dựng địa phương thông minh tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng đầu tư ở các lĩnh vực như: Hệ thống y tế thông minh; giáo dục thông minh; quy hoạch, quản lý đô thị; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; nông nghiệp; du lịch… và các trung tâm điều hành thông minh cấp huyện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.