Trước đây, Bình Phước được xem là "vùng lõm" của cả nước, lĩnh vực nào cũng xếp dưới, xếp cuối của cả nước. Hiện nay, Bình Phước đã vươn lên top giữa và từ khóa "Bình Phước" cũng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội.
Là một tỉnh khó khăn nên Bình Phước đã chủ động, sáng tạo và đi đầu trong các lĩnh vực không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, đó là đột phá vào công tác chuyển đổi số. Đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bộ TT-TT cho biết, hiện Bình Phước đứng thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước về chuyển đổi số. Đây là một thứ hạng khá ấn tượng so với các địa phương có nhiều tiềm lực khác trong cả nước.
100% dân số được phủ sóng mạng di động
Theo báo cáo của Sở TT-TT Bình Phước, mục tiêu cụ thể năm 2023 về hạ tầng số, Bình Phước phấn đấu 70% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 70% hộ gia đình được phủ mạng internet băng thông rộng cáp quang; 100% dân số được phủ sóng bởi mạng di động.
Về chính quyền số, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý hoàn toàn trực tuyến (toàn trình) đạt 60%; tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 95%, cấp xã đạt 80%.
Đối với kinh tế số, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 60%.
Về xã hội số, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng "Binhphuoc today" đạt 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 30% trở lên; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 20%...
99% dịch vụ công được xử lý trực tuyến
Qua 1 năm triển khai Đề án 06/CP cùng với các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Bình Phước, hiện đã có 18/43 nhiệm vụ của đề án được triển khai hiệu quả. Với 25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng đột biến so với các năm gần đây. Trong năm 2022 và quý 1/2023, cổng dịch vụ công của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết gần 720.000 hồ sơ dịch vụ công, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tăng từ 27,2% lên hơn 99%; nâng tỷ lệ dịch vụ công được xử lý trực tuyến tăng từ 22% lên 99%. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hệ thống cổng dịch vụ công đảm bảo các tiêu chí an ninh, an toàn và chính thức kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số trong năm 2023, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Sở TT-TT Bình Phước, cho biết có 5 nhóm giải pháp địa phương đang tập trung thực hiện gồm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số; Tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp trên các nền tảng số; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới và thu hút nguồn lực công nghệ thông tin…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường
Box: Năm 2023 là năm bản lề hết sức quan trọng để Bình Phước tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, GRDP Bình Phước tăng trưởng khá cao, năm 2021 đạt 7,34%, năm 2022 đạt 8,42%; thu ngân sách năm 2022 đạt 14.282 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các chỉ số khác đều khá tích cực. Các mặt văn hóa, xã hội được chăm lo; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được bảo đảm. Đặc biệt, Bình Phước là 1 trong 10 tỉnh, thành của cả nước lần đầu tiên ban hành được một bộ chủ trương, định hướng toàn diện, có hệ thống về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Đây là hệ thống chính sách được xây dựng công phu, kỹ lưỡng trên toàn bộ các lĩnh vực, là nền tảng quan trọng để thống nhất nhận thức, triển khai một cách bài bản, vững chắc phương hướng phát triển của tỉnh giai đoạn tới.
Bình luận (0)