Bộ Quốc phòng của Armenia lẫn Azerbaijan đều đưa ra tuyên bố vào chiều 11.4 rằng một số lượng không xác định binh lính của họ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ gần hành lang Lachin, con đường quan trọng dẫn vào vùng Nagorno-Karabakh từ Armenia đi qua lãnh thổ Azerbaijan, theo Đài Aljazeera.
"Các vị trí của quân đội Armenia được triển khai gần khu định cư Dyg [tại biên giới chung của hai nước] đã nổ súng dữ dội vào các vị trí của quân đội Azerbaijan", Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho hay trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm quân đội Azerbaijan "đã bắn trả".
"Có những người chết và bị thương trong quân đội Azerbaijan", Bộ Quốc phòng Azerbaija cho hay, nhưng không nêu rõ số lượng thương vong.
Bộ Quốc phòng Armenia cũng đưa ra một con số thương vong không xác định, đổ lỗi cho Azerbaijan nổ súng trước.
"Vào lúc 16 giờ (19 giờ theo giờ Việt Nam) ngày 11.4, các lực lượng vũ trang Azerbaijan đã nổ súng về phía các quân nhân Armenia đang tiến hành các công trình kỹ thuật. Theo thông tin sơ bộ, có người chết và bị thương ở phía Armenia", Bộ Quốc phòng Armenia nói.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói rằng 3 binh sĩ đã thiệt mạng, trong khi Bộ Quốc phòng Armenia xác nhận 4 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương, theo Reuters.
Armenia và Azerbaijan đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh trong 35 năm qua để giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh. Vùng này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng là nơi cư trú chủ yếu của người dân tộc Armenia.
Gần 2.800 binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng trong xung đột với Armenia
Nga đã cử một đội quân gìn giữ hòa bình gồm hàng nghìn người tới Nagorno-Karabakh vào năm 2020 như một phần của thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tuần giao tranh khiến hàng ngàn người thiệt mạng và giúp Azerbaijan giành được phần lãnh thổ đáng kể.
Nga là đồng minh của Armenia thông qua một hiệp ước tự vệ chung, nhưng cũng đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Azerbaijan.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tổ chức nhiều vòng đàm phán hòa bình do Liên minh châu Âu và Mỹ làm trung gian.
Trong tháng trước, ông Pashinyan đã ghi nhận một số tiến bộ trong tiến trình hòa bình, nhưng cho hay "các vấn đề cơ bản" vẫn còn vì "Azerbaijan đang cố gắng đưa ra các yêu sách lãnh thổ, đó là lằn ranh đỏ đối với Armenia".
Bình luận (0)