'Bình Thuận có 3 kh là khô, khó và khổ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/05/2023 14:56 GMT+7

Đề nghị tăng vốn, áp dụng cơ chế đặc thù để kịp hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét đã chậm tiến độ 3 năm, đại biểu nói Bình Thuận có 3 "kh" là khô, khó khổ. Bộ trưởng KH-ĐT thì dẫn lời cố Tổng Bí thư Đỗ Mười nói các tỉnh nam Trung bộ có 3 vấn đề là nước, nước và nước.

Sáng 30.5, Quốc hội thảo luận về tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

'Bình Thuận có 3 khờ là khô, khó và khổ' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông

GIA HÂN

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét lên hơn 874 tỉ đồng so với Nghị quyết số 93 năm 2019 được Quốc hội phê duyệt là hơn 585 tỉ đồng.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho biết, Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước.

"Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra, với mức độ hạn hán, khô hạn ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như là sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Như nhận xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi nói về Bình Thuận có 3 'kh' đó là 'khô, khó và khổ'. Do vậy nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh Bình Thuận", ông Thông nêu.

Ông Thông nói, việc tăng tổng số vốn đầu tư thêm 874 tỉ đồng chủ yếu do nguyên nhân khách quan từ việc cập nhật theo các quy định của pháp luật mới, do trượt giá, bổ sung giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho công trình…

Đại biểu Bình Thuận cũng giải thích, dù việc triển khai dự án chậm gần 3 năm so với Nghị quyết 93 năm 2019 của Quốc hội, và cũng có nguyên nhân chủ quan từ UBND tỉnh Bình Thuận, song phần lớn nguyên nhân là do khách quan khi thời điểm triển khai dự án, cả nước, trong đó có cả Bình Thuận đang phải gồng mình chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, dự án hồ chứa nước Ka Pét nếu không xét về yếu tố rừng tự nhiên phải trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư thì quy mô dự án chỉ tương đương công trình dự án nhóm B. Do đó, ông Thông đề nghị Quốc hội xem xét áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án, giao cho UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, triển khai dự án để kịp hoàn thành vào năm 2025.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: "Bình Thuận có 3 'kh' là khô, khó và khổ"

"Ninh Thuận có 3 vấn đề là nước, nước, và nước"

Liên quan cơ chế đặc thù dự án, nhiều đại biểu đồng tình, song đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội, cho rằng thẩm quyền quyết định đầu tư dự án là của Thủ tướng sau khi đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, do đó đây không phải thẩm quyền của Quốc hội.

"Cho nên việc ủy quyền hay không đấy là của Thủ tướng. Tôi đồng ý là ủy quyền nhưng việc đấy thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì để Thủ tướng quyết định, Chính phủ quyết định. Quốc hội bây giờ lại yêu cầu Thủ tướng phải ủy quyền cho UBND tỉnh Bình Thuận thì tôi cho rằng không phù hợp", ông Hạ nêu.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nam Trung bộ gồm nam Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận là khu vực khô hạn nhất cả nước.

"Tôi cũng có một thời gian công tác tại Ninh Thuận, tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư, đồng chí nói rằng Ninh Thuận có 3 vấn đề, đó là nước, nước và nước", ông Dũng nói và cho biết nước là vấn đề quan trọng bậc nhất trong sinh hoạt, sản xuất của các tỉnh này.

Về nguyên nhân chậm tiến độ của dự án, có cả khách quan, chủ quan nhưng khách quan là chủ yếu. "Tuy nhiên, qua ý kiến của các đại biểu, chúng tôi xin được tiếp thu và Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận nghiêm túc rút kinh nghiệm vấn đề này. Đặc biệt là trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua và quyết định việc điều chỉnh này để đảm bảo đúng tiến độ như đã cam kết", ông Dũng nêu.

Đối với cơ chế đặc thù mà các đại biểu nêu, ông Dũng nói sẽ rà soát lại luật Đầu tư công, xem phân loại dự án phải trình Quốc hội để làm sao giảm thiểu việc phải trình Quốc hội. Khi sử dụng diện tích rừng không quá lớn thì cho phép phân cấp như thế nào, quy trình, thủ tục đơn giản ra sao mà vẫn quản lý chặt chẽ diện tích rừng.

"Đây là quy trình, thủ tục mà hiện nay rất nhiều dự án đang vướng. Nếu chúng ta trình xong rồi mỗi lần điều chỉnh một việc như thế này phải trình lại Quốc hội thì rất phức tạp", ông Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.