Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Trong đó, có ngài Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cùng các chuyên gia của Tập đoàn năng lượng xanh CIP (Copenhagen Infrastructure Partners, Đan Mạch).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, Bình Thuận có chiều dài 192 km bờ biển, với khí hậu nắng, gió quanh năm, tốc độ gió thuộc loại tốt nhất để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Bình Thuận đã và đang có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát gió, thực hiện các thủ tục đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Ông Phan Văn Đăng khẳng định, trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, ưu tiên thu hút các dự án năng lượng xanh, sạch, trong đó có các dự án điện gió ngoài khơi. Ông Đăng mong muốn, các chuyên gia trong và ngoài nước làm nổi bật tiềm năng lợi thế về phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời đưa ra các ý kiến đóng góp xây dựng về cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ngài Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam giới thiệu, Đan Mạch hiện là quốc gia có tiềm lực về phát triển điện gió và thiết bị điện gió ngoài khơi với nhiều tập đoàn kinh tế đang đầu tư nhiều dự án.
Đại sứ Nicolai Prytz cũng cho biết, Việt Nam và Đan Mạch chuẩn bị cho việc ký kết chương trình phát triển năng lượng xanh giữa hai chính phủ. "Đan Mạch luôn sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật ngành điện gió ngoài khơi cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng" - Đại sứ Nicolai Prytz phát biểu.
Trình bày tại hội thảo, đại diện Sở TN-MT và Sở Công thương Bình Thuận cho biết, Bình Thuận được xác định là 3 trung tâm kinh tế của quốc gia trong đó có trung tâm năng lượng quốc gia. Hiện Bình Thuận có 47 nhà máy điện, trong đó có 4 nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Mới đây Bình Thuận có thêm 3 dự án điện khí, kho cảng khí được chấp thuận đầu tư tại vùng biển Sơn Mỹ (H.Hàm Tân).
Theo đại diện Sở Công thương, hiện Bình Thuận có chủ trương tạm dừng đầu tư các dự án điện gió trên bờ, để tập trung ưu tiên cho các dự án điện gió ngoài khơi vì lợi ích kinh tế mà điện gió mang lại.
Ông Stuart Livesey, đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam cho biết, CIP đã nhận thấy tiềm năng gió ở Bình Thuận là rất lớn (11m/s) và đã đăng ký khảo sát dự án La Gàn (công suất 3,5 GW, ở H.Tuy Phong). Dự án này có thể cung cấp điện cho 7 triệu người Việt Nam sử dụng khi được hoàn thành. Dự án triển khai sẽ tạo ra hàng ngàn công việc làm, trong số đó sẽ có 50% nhân lực là người địa phương.
Bình luận (0)