Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh: Phá thế khô hạn, bứt phá ngoạn mục

28/08/2022 08:00 GMT+7

Năm 1992, Bình Thuận được tái lập từ tỉnh Thuận Hải (tách thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận). Sau 30 năm tái lập, Bình Thuận đã có sự bứt phá ngoạn mục từ kinh tế đến văn hóa - xã hội.

Bình Thuận là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ của các tỉnh, thành trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và TP.HCM. Tỉnh lỵ là TP.Phan Thiết cách TP.HCM 190 km, cách sân bay Cam Ranh 220 km, phía tây giáp với Lâm Đồng. Bình Thuận là tỉnh có bờ biển dài tới 192 km, có đảo Phú Quý với vùng biển trù phú, là một trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước.

Nối mạng thủy lợi, phá thế khô hạn

Nói đến Bình Thuận trước hết phải nói đến nông nghiệp. Dù là tỉnh khô hạn nhất nước, nhưng hiện nay hệ thống thủy lợi Bình Thuận “chằng chịt” từ những vùng khô hạn nhất như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đều có nước dẫn về những cánh đồng mà ngày xưa vào mùa khô chỉ bỏ hoang.

Mũi Né trở thành khu du lịch quốc gia

Q.H

Ngày nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, không chỉ có vựa lúa Tánh Linh, Đức Linh với thương hiệu gạo thơm ngon nổi tiếng, mà còn xuất hiện “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc… cũng là nhờ nguồn nước thủy lợi chủ động quanh năm. Cũng từ trái thanh long mà du khách từ TP.HCM đến Bình Thuận sẽ thấy khá nhiều những ngôi biệt thự lấp ló trong những vườn thanh long xanh tốt.

Về thủy sản có TP.Phan Thiết, TX.La Gi và H.Tuy Phong, đặc biệt là đảo Phú Quý đều là những địa phương có thế mạnh về đánh bắt thủy sản. Nếu như năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 2 tàu cá công suất trên 90 CV (dài trên 15 m), thì đến nay toàn tỉnh có gần 7.000 tàu cá, trong đó có tới gần 2.000 tàu dài trên 15 m vươn khơi tận Trường Sa với sản lượng 120.000 tấn hải sản mỗi năm. Nước mắm truyền thống Phan Thiết hiện là sản phẩm nổi tiếng thơm ngon được bán cả trong nước và xuất khẩu.

Biển xanh cát trắng, nắng vàng

Nói đến vùng đất Bình Thuận hiện nay, một từ khóa rất nổi tiếng kể cả trong nước cũng như nước ngoài, đó là Mũi Né. Những đầu tái lập tỉnh Bình Thuận, Mũi Né chỉ là vùng đất hoang sơ với những vườn dừa rạng nghiêng mình bên biển. Kể từ ngày 24.10.1995, sự kiện nhật thực toàn phần đã đưa hàng chục nghìn du khách đến với Mũi Né để quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Và từ đó, Mũi Né với hình ảnh “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” tạo nên một thương hiệu du lịch nổi tiếng. Ngày nay, Mũi Né đã trở thành khu du lịch quốc gia và là điểm đến lý tưởng của hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

Thách thức sau 30 năm phát triển

Tuy nhiên đến nay, Bình Thuận vẫn là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế trung bình khá của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng. Để tăng tốc hơn nữa, Tỉnh ủy Bình Thuận xác định 3 trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp để tập trung đầu tư. Với dư địa lớn về tiềm năng đất đai, có cảng biển, đang xây dựng sân bay Phan Thiết, sắp hoàn thành 2 tuyến cao tốc, tỉnh sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư uy tín vào lĩnh vực công nghiệp. Đối với du lịch, sẽ quy hoạch lại không gian biển gắn với phát triển kinh tế du lịch biển bền vững. Riêng ngành nông nghiệp, sẽ phát triển theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.